Bộ sách Chuyên khảo vẽ về Đông Dương (Monographie dessinée de l’Indochine) xuất bản bằng tiếng Pháp ở Paris năm 1935 và 1938, do Jeles Gustave Besson và các cộng sự trẻ thực hiện. Bộ sách được chia thành các phần về Nam kỳ (6 tập), Trung kỳ (1 tập), Bắc kỳ (4 tập) và Cao Miên (2 tập), trong đó phần Nam kỳ (xuất bản năm 1935) có dung lượng lớn nhất, mỗi tập gồm 40 tranh vẽ bằng bút chì (phần lớn được tô màu).
Cuốn sách Đời sống thường nhật ở Nam kỳ tuyển chọn 99 tranh vẽ với nhiều chủ đề từ 240 bức tranh của phần Nam kỳ nhằm hé mở một khe cửa đi vào miền quá khứ. Sách do Nguyễn Quang Diệu sưu tầm tranh và định bản. Trước Đời sống thường nhật ở Nam kỳ, Nguyễn Quang Diệu từng viết hoặc sưu tầm, giới thiệu các ấn phẩm như Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ, Đạo đức luân lý Đông Tây, Một tháng ở Nam kỳ…
Theo chia sẻ của Nguyễn Quang Diệu, trong mối quan tâm về xuất bản thì về Nam kỳ là chủ đề mà anh theo đuổi lâu nay. Có nhiều cách để diễn giải về lịch sử của một đô thị, trong đó có tài liệu lịch sử qua tranh ảnh, nghệ thuật thị giác. Thời gian qua, anh đã sưu tầm được rất nhiều tranh, trong đó có bộ tranh Chuyên khảo vẽ về Đông Dương từ Trường Mỹ thuật Gia Định.
“Đời sống đô thị có nhiều khía cạnh, trong đó có đời sống thường nhật của thị dân, có việc buôn bán chợ búa... Đây là một đề tài rất hẹp nhưng nó mang hơi thở của đời sống. Cho nên tôi cũng cân nhắc nâng lên đặt xuống, và quyết định tuyển chọn 99 bức tranh về đời sống thường nhật ở Nam kỳ. Đây là chủ đề phù hợp với nhu cầu tìm hiểu về lịch sử đô thị trong thời điểm lúc này. Đặc biệt, khi muốn quảng bá hình ảnh của một thành phố đến khách du lịch thì chủ đề đời sống thường nhật cũng là chủ đề dễ tiếp cận”, tác giả Nguyễn Quang Diệu cho biết.
Lật giở từng trang sách của Đời sống thường nhật ở Nam kỳ, bạn đọc không khỏi ngạc nhiên lẫn thú vị khi bắt gặp những hình ảnh mộc mạc, giản dị của gần 100 năm trước nơi mảnh đất phương Nam. Từ hình ảnh ruộng cau đến cảnh trồng rau ở Bình Tây; từ hình ảnh nhà nổi ở cầu Ông Lãnh đến hình ảnh chợ cá Bình Hòa xã; từ nhạc công mù đến người ăn mày rách rưới… Còn rất nhiều bức tranh về những tập tục sinh hoạt, lối sống như từ ký ức của gần 100 năm trước hiện về.
Điều thú vị là ấn phẩm sách tranh Đời sống thường nhật ở Nam kỳ được in bằng ba thứ tiếng Việt - Pháp - Anh. Vì lẽ đó, không chỉ mang ý nghĩa là một nguồn tư liệu quý giá mà ấn phẩm này còn có ý nghĩa quảng bá, giới thiệu đến bạn đọc khắp nơi trên thế giới.