Hãng thông tấn RIA của Nga ngày 3-4 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết cuộc đàm phán giữa nước này với Ukraine diễn ra không hề dễ dàng, nhưng điều quan trọng là quá trình này vẫn diễn ra.
Ngoài ra, ông Dmitry Peskov cho biết Nga muốn tiếp tục đàm phán với Ukraine ở nước láng giềng Belarus, nhưng Kiev đã phản đối đề nghị này.
Trong khi đó, đại diện phái đoàn đàm phán Ukraine David Arakhamia cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhiều khả năng sẽ diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trong phát biểu trên truyền hình, ông David Arakhamia không đề cập tới thời gian hay địa điểm.
Theo quan chức này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga và Ukraine, và "dường như để xác nhận từ hai phía về việc họ sẵn sàng cho một cuộc gặp trong tương lai gần". Ông nói: "Chúng tôi nghĩ nhiều khả năng sẽ là ở Istanbul hoặc Ankara".
Trước đó, cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul diễn ra ngày 29-3. Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moskva tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên. Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn một tháng tại Ukraine.
Các nước Baltic ngừng nhập khí đốt từ Nga
Người đứng đầu công ty điều hành dự trữ khí đốt tự nhiên của Lavia ngày 2-4 khẳng định các nước vùng Baltic đã không còn nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Phát biểu trên đài phát thanh Lavia, ông Uldis Bariss - Giám đốc điều hành Conexus Baltic Grid, cho biết từ hôm 1-4, khí đốt tự nhiên của Nga đã không còn được chuyển tới Latvia, Estonia và Lítva. Ông cũng cho biết hiện thị trường khí đốt tại Baltic đang được cung cấp từ các kho dự trữ khí đốt ngầm ở Latvia.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Nga hôm 31-3 tuyên bố các hợp đồng chuyển giao khí đốt cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị đình chỉ nếu các nước không thanh toán bằng đồng ruble.
Liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Mỹ hiện đã cấm nhập khẩu dầu khí từ Nga, trong khi EU cũng tìm cách hạn chế phụ thuộc năng lượng Nga. Năm 2021, khoảng 40% tổng lượng khí đốt tiêu dùng tại EU là nhập từ Nga.