Gia tăng căng thẳng
Dự kiến, vào ngày 24-2, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) công bố gói trừng phạt thứ 13 nhắm vào Nga. Trong đó, 193 thực thể và cá nhân bị cấm đi du lịch hoặc kinh doanh tại lục địa già. Các biện pháp trừng phạt mới còn tập trung vào mạng lưới hỗ trợ quân đội Nga, đặc biệt là chuỗi cung ứng chế tạo máy bay không người lái. Mỹ cũng tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt mới nhằm vào hơn 500 mục tiêu ở Nga.
Về phía Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận cuộc tấn công mùa xuân của quân đội nước này không thành công như mong đợi và Nga vẫn kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine. Sự thay đổi trong giới lãnh đạo quân sự ở Kiev cũng tác động không nhỏ đến tình hình chiến trường. Lo ngại về hậu quả đối với an ninh khu vực nếu Mỹ rút lui và Ukraine thất bại, các nước châu Âu gần đây đã tăng cường viện trợ, cam kết cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Kiev. Điều này đánh dấu bước thay đổi đáng kể trong thái độ của châu Âu so với những ngày đầu của xung đột, nhưng giới chuyên gia cho rằng vẫn chưa đủ để giúp Ukraine lật ngược tình thế.
Theo hãng tin Reuters, Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chủ trì hội nghị quốc tế nhằm hỗ trợ Ukraine vào ngày 26-2 tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo sẽ giải ngân 880 triệu USD cho Ukraine trong đợt thứ ba của gói hỗ trợ với tổng trị giá 15,6 tỷ USD trong vòng 4 năm được phê chuẩn năm 2023. Đầu tháng 2, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cung cấp gói hỗ trợ trị giá 54 tỷ USD cho Ukraine từ nay đến năm 2027. Trong khi đó, Viện Kiel ước tính, Mỹ đã chi 66 tỷ USD cho Ukraine. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang trì hoãn việc phê duyệt khoản viện trợ mới trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine.
Kinh tế Nga tăng trưởng
Trong năm thứ hai, Nga đã có một loạt thay đổi về cả chiến lược lẫn chiến thuật trên chiến trường và tiến hành những trận đánh quan trọng vào các cứ điểm tưởng chừng không thể phá vỡ của Ukraine ở vùng Donbass như Bakhmut và Avdiivka. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu về một bước ngoặt đáng kể trong cục diện.
Về kinh tế, IMF dự báo, năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng 2,6%. Trong khi đó, doanh thu từ dầu mỏ đang tăng trở lại và tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức thấp lịch sử. Theo hãng tin Reuters, lý do giúp Nga làm được điều này là nhờ vai trò độc lập và mạnh mẽ của Ngân hàng Trung ương. Từ năm 2022, Ngân hàng Trung ương Nga đã áp dụng các đợt tăng lãi suất lớn (hiện ở mức 16%) để kiểm soát lạm phát.
Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine trong năm 2023 nhìn chung vẫn hoạt động ổn định khi các đối tác phương Tây đáp ứng đầy đủ nhu cầu tài trợ. Lạm phát giảm cho phép Ngân hàng Quốc gia Ukraine cắt giảm lãi suất và loại bỏ một số biện pháp kiểm soát vốn. Tuy nhiên, triển vọng cho năm 2024 vẫn chưa chắc chắn. Trong bối cảnh hầu hết các quỹ phương Tây chưa được chuyển tới Ukraine, Ngân hàng Trung ương nước này đang đề xuất cấp vốn cho ngân sách chỉ bằng cách in thêm tiền, nhưng điều này có thể sẽ làm giảm phần lớn sự ổn định kinh tế. Cùng với đó, xung đột đang tiêu tốn nguồn lực của chính phủ. Chi tiêu quân sự đã tăng lên 20% GDP và một nửa ngân sách được dành để chi trả cho chiến tranh.