Lắng nghe tiếng nói của nhau
Ông Guterres cho biết, LHQ đã bổ nhiệm một điều phối viên phụ trách cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như chi ngân quỹ khẩn cấp và tăng cường nhân sự cho các hoạt động nhân đạo tại đây. Còn Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdullah Shahid nhấn mạnh, Hiến chương LHQ nêu rõ, các nước thành viên phải giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Ông kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực, tôn trọng luật nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.
Sau khi 193 nước thành viên LHQ phát biểu ý kiến trong 3 ngày diễn ra phiên họp đặc biệt, Đại hội đồng sẽ tiến hành bỏ phiếu ngày 2-3 để thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nếu nhận được 70% phiếu ủng hộ, nghị quyết sẽ được thông qua. Tuy nhiên, các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ thường mang tính biểu tượng, không có tính ràng buộc thực thi.
Đây là phiên họp đặc biệt mà LHQ mới chỉ tổ chức 11 lần trong 77 năm thành lập và phát triển. Phiên họp là cơ hội để 193 nước thành viên LHQ bày tỏ quan điểm của mình về cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, cũng như lên tiếng thúc đẩy các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Bước tiến đáng ghi nhận
Liên quan đến vòng đàm phán diễn ra ngày 28-2 giữa Nga và Ukraine tại Belarus, dư luận quốc tế cho rằng việc đối thoại mà không có điều kiện tiên quyết trong khoảng 5 giờ đồng hồ, cùng nhìn nhận về triển vọng tích cực, dù là nhỏ, cũng là một tín hiệu đáng ghi nhận. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hoan nghênh các cuộc đàm phán, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành đàm phán.
Về phía Ukraine, ông Mikhail Podolyak, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết, mục đích chính của Ukraine trong cuộc đàm phán lần này là thảo luận về một lệnh ngừng bắn. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky, thành viên đoàn đàm phán, cho biết thêm lập trường của Nga về kết quả đàm phán với phía Ukraine sẽ được ban lãnh đạo nước này thống nhất trong vòng 24 giờ sau đàm phán. Moscow sẽ liên hệ lại với Ukraine và xác định chính xác thời điểm cho vòng đàm phán tiếp theo. Theo hãng tin China Daily, vòng đàm phán mới có thể diễn ra trong vài ngày tới tại biên giới Belarus - Ba Lan.
Trong khi đó, tại cuộc điện đàm diễn ra ngày 28-2 (giờ địa phương) giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Emmanuel Macron, Tổng thống Putin nêu rõ chỉ có thể giải quyết vấn đề khi những quan ngại an ninh của Nga được tính đến, trong đó có vấn đề quy chế trung lập của Ukraine. Theo tuyên bố của Điện Kremlin, ông Putin khẳng định, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được kết quả mong muốn.
Điện Elysee cũng ra tuyên bố cho biết, Tổng thống Macron đã đề nghị Nga bảo vệ dân thường, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiến hành thêm các cuộc tiếp xúc.
Trao đổi với PV Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Như Mạnh, Chủ tịch Hội người Việt tỉnh Odessa ở miền Đông Ukraine, nơi đang có khoảng 3.000 người Việt làm ăn và sinh sống, cho biết, tình hình tại Ukraine đang căng thẳng, nhất là từ ngày 28-2. Đã có bom và đạn cối rơi vào các khu dân cư. |