Chính phủ Nga kỳ vọng việc thực hiện kế hoạch này sẽ giúp xoay chuyển tình hình do hậu quả của đại dịch Covid-19, đồng thời hỗ trợ những thay đổi cấu trúc lâu dài của nền kinh tế. Theo kế hoạch, nếu thực hiện thành công, nền kinh tế Nga sẽ phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trước khủng hoảng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Kế hoạch có 3 giai đoạn: ổn định tình hình đến cuối năm 2020, phục hồi từ đầu năm 2021 và chuyển sang tăng trưởng trong quý 4-2021. Theo kế hoạch, từ tháng 10-2020, Nga dự kiến sẽ thiết lập một mức giờ làm tối thiểu khi sử dụng lao động bán thời gian trong tối đa 3 tháng. Biện pháp này nhằm đối phó với tình trạng thuê lao động chui và cũng nhằm bảo vệ lợi ích của người sử dụng lao động và nhân viên bán thời gian. Trong khi đó, từ tháng 7-2020, người lao động được phép làm việc từ xa hoặc kết hợp giữa làm việc từ xa và tại công ty mà không cần ký thỏa thuận bổ sung trong hợp đồng lao động. Ngoài ra, kế hoạch này cũng gồm các biện pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ bên cạnh các biện pháp cắt giảm thuế đã được công bố. Chính phủ cũng đưa ra các biện pháp để hỗ trợ khu vực xây dựng nhà ở và ngành du lịch.
Tổng thống Putin coi kế hoạch này là nền tảng để phục hồi và thay đổi cơ cấu nền kinh tế, vốn đang gặp nhiều khó khăn do lệnh phong tỏa kéo dài. Để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, Chính phủ Nga cũng đã đưa ra nhiều biện pháp như giảm thuế, vẫn phát lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc, nhưng đây được xem chỉ là giải pháp tạm thời.
Ước tính của Chính phủ Nga cho thấy nền kinh tế quốc gia này sẽ sụt giảm 9,5% trong quý 2 và 6% trong cả năm nay. Giới chuyên gia kinh tế dự báo, quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 sẽ mất hơn một năm. Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ nền kinh tế cũng như hỗ trợ thu nhập cho người dân, bởi kinh tế sẽ không tăng trưởng được nếu cầu không tăng. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Ngoại thương Nga, Andrey Klepach, một năm chưa thể bù đắp cho những thiệt hại hiện nay. Theo ông Klepach, khi bỏ cách ly, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với chi phí bổ sung và một số lĩnh vực khó có thể phục hồi về mức trước khủng hoảng, điển hình như các hãng hàng không. Nhiều mặt hàng sẽ giảm vì thu nhập hộ gia đình không hồi phục nhanh chóng.
Cũng có ý kiến khác cho rằng, kinh tế Nga sẽ sớm phục hồi nếu các bước thực hiện kế hoạch kinh tế mới đạt hiệu quả. Chủ tịch Viện kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO) trực thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga (RAN) Alexander Dynkin nhận định, nhìn chung Nga so với các nền kinh tế lớn khác, ít nhiều sẵn sàng hơn trong đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Điều này là nhờ vào mức nợ công tối thiểu, ngân sách cân bằng, quỹ phúc lợi quốc gia, dự trữ ngoại hối và dự trữ vàng ấn tượng. Có lẽ nhờ vậy mà trong quý đầu tiên của năm nay, tăng trưởng GDP của Nga vẫn đạt 1,8%.