Liên minh tình thế
Hôm 22-3 Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đón tiếp long trọng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đến Brussels (Bỉ) gặp các đồng nhiệm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 24 và 25-3 để thắt chặt mối quan hệ.
Theo nhận định của nhiều nhà phân tích chính trị, những sự kiện trên đã manh nha gợi lên hình ảnh về một thế đối đầu giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu người Pháp Philippe Le Corre cho rằng, chính những quan điểm cứng rắn gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc và Nga đã đẩy Moscow và Bắc Kinh xích lại gần nhau.
Giáo sư Lanxin Xian của Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế và phát triển Geneva(Thụy Sĩ) nhận định, 2 nước láng giềng khổng lồ không ưa nhau và cũng thiếu tin tưởng lẫn nhau nhưng buộc phải lập liên minh tình thế. Sự hợp tác này thể hiện 2 điều.
Thứ nhất, Moscow và Bắc Kinh muốn cho thế giới thấy họ không bị cô lập trên trường quốc tế, mà ngược lại, sẵn sàng đương đầu với phương Tây.
Thứ hai, họ cũng muốn trấn an dư luận, củng cố an ninh trong nước và che giấu những tiếng nói bất đồng.
Quan hệ hợp tác còn được Moscow và Bắc Kinh tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Trung Quốc rất cần khí đốt và dầu lửa, trong khi Nga cũng đang tìm cách đa dạng hóa đầu ra, tránh phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 có nguy cơ biến thành công cụ trừng phạt của Liên minh châu Âu với cáo buộc Nga đầu độc và cầm tù nhà đối lập Alexei Navalny.
Chính quyền Washington vẫn phản đối kịch liệt dự án bị đánh giá là “ý tưởng tồi” này vì đi ngược với mục đích an ninh năng lượng của châu Âu, có nguy cơ làm suy yếu Ukraine, đi ngược với các lợi ích của Ba Lan và những nước đồng minh khác.
Có tồn tại lâu dài?
Tuyên bố chung của 2 ngoại trưởng Nga - Trung đưa ra sau cuộc gặp ở Quế Lâm thể hiện sự thống nhất cao về quan điểm của hai bên, khi cùng kêu gọi các nước khác kiềm chế không can thiệp vào công việc nội bộ của hai quốc gia này.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết, Nga và Trung Quốc coi các lệnh trừng phạt của châu Âu và phương Tây là không thể chấp nhận được.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay là mối quan hệ tình thế giữa Nga và Trung Quốc có tồn tại lâu dài? Trước mắt, Trung Quốc và Nga liên kết để có thể bảo vệ được lợi ích quốc gia của mỗi bên, cũng như ý thức hệ.
Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Le Monde, 2 nước lại không có chung tầm nhìn. Trên lĩnh vực kinh tế, Nga luôn cố gắng để không bị lép vế hay bị coi là phụ thuộc vào nước láng giềng Trung Quốc; trong khi Bắc Kinh muốn sử dụng quan hệ ngoại giao giữa 2 nước thành công cụ để gây sức ép về mặt địa chính trị với các nước châu Âu.
Moscow từng bị Chính phủ Mỹ thời Tổng thống Barack Obama coi là cường quốc hạng hai, nhưng Bắc Kinh đã tránh được sai lầm này. Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin là “người bạn tốt nhất” của ông trên trường quốc tế.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Lavrov mượn một phát biểu của phía Mỹ, cho rằng Moscow và Bắc Kinh phải “vận động các nước có chung tư tưởng” để bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Liên hiệp quốc.