Nga, Trung Quốc và Iran tham vấn trước vòng đàm phán thứ 8 về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran
SGGPO
Trước thềm vòng đàm phán thứ 8 nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 được nối lại cùng ngày tại Vienna (Áo), ngày 27-12, các phái đoàn của nước này, Trung Quốc và Nga đã gặp nhau để tham vấn. Thông tin do đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, ông Mikhail Ulyanov, cung cấp với báo giới.
Theo Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, vòng đàm phán tiếp theo sẽ tập trung vào những đảm bảo về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran và những lợi ích mà nước Cộng hòa Hồi giáo nhận được từ việc tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) do Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) hồi năm 2015.
Cùng ngày, ông Vương Quần, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ở Vienna, đã kêu gọi các bên nỗ lực tìm tiếng nói chung để hóa giải những khác biệt và cùng nhau thúc đẩy các đột phá mới trong vòng đàm phán thứ 8 này. Ông cho rằng "không nên áp dụng chủ nghĩa thực dụng và các tiêu chuẩn kép" để theo đuổi lợi ích của riêng một quốc gia nào trong các vấn đề hạt nhân Iran và các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân liên quan. Ông Vương Quần cũng lưu ý không nên lạm dụng các biện pháp trừng phạt cũng như không nên áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran trong quá trình đàm phán.
Ngoài ra, nhà ngoại giao Trung Quốc đánh giá việc các bên tiến hành vòng đàm phán thứ 8 trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới 2022 đã cho thấy tính chất cấp bách của việc nối lại tiến trình này.
Trước đó, ngày 9-12 vừa qua, các quan chức Iran và các cường quốc tham gia JCPOA, trừ Mỹ, đã nối lại đàm phán tại Vienna, 6 tháng sau khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đắc cử. Trong vòng đàm phán này, yêu cầu hàng đầu của phía Iran là dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với nước này, trong khi phía Mỹ muốn thấy Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận trước tiên.
Đặc phái viên Liên minh Châu Âu (EU) Enrique Mora trong cuộc họp báo sau khi vòng đàm phán JCPOA được nối lại. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo JCPOA được Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) ký năm 2015, Tehran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận do cho rằng, JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại.
Vòng đàm phán gián tiếp mới nhất giữa Iran và Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã được nối lại trong ngày 27-12 tại Vienna (Áo), với việc Tehran tập trung vào một khía cạnh của thỏa thuận ban đầu, đó là yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Bộ Ngoại giao Iran trước đó cùng ngày khẳng định, Tehran mong muốn đạt được thỏa thuận ngay khi vòng đàm phán thứ 8 giữa nước này với các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được nối lại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cũng cho biết tại vòng đàm phán mới nhất này, các bên sẽ tập trung thảo luận một "văn bản mới và thống nhất", bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và vấn đề hạt nhân vốn đạt được trong vòng đàm phán trước đó.
Tuy nhiên, Iran sẽ không chấp nhận các đề nghị không có trong JCPOA và sẽ tiếp tục theo đuổi các lợi ích của nước này liên quan thỏa thuận. Hiện nguồn tin thân cận với phái đoàn Iran cho biết đoàn đàm phán nước này sẽ lưu lại Vienna đến chừng nào cần thiết.
Tại vòng đàm phán trước đó, đại diện Anh, Pháp và Đức đã đưa ra đánh giá bi quan về khả năng hồi sinh JCPOA. Thậm chí, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết, nước này và các đối tác đang thảo luận khung thời gian cho biện pháp ngoại giao với Iran, khẳng định vòng đàm phán thứ 8 có thể kéo dài trong vài tuần.