Hy vọng có quan điểm xây dựng
Thông tin trên được đưa ra trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này sẵn sàng đối thoại với Ukraine, đồng thời bày tỏ hy vọng Kiev sẽ có quan điểm hợp lý và xây dựng trong vòng đàm phán thứ 3 giữa hai nước.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của nhật báo The Globe and Mail (Canada), nhà đàm phán tham gia hai vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine được tổ chức ở biên giới Belarus và cũng là một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mykhailo Podolyak cho biết đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận của Nga và hiện hai bên “đang bắt đầu có các cuộc đàm phán mang tính xây dựng”.
Trong khi đó, Anh đang xúc tiến một kế hoạch hành động gồm 6 điểm đối với tình hình ở Ukraine và kêu gọi các nhà lãnh đạo khác tham gia.
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, kế hoạch trên bao gồm tập hợp liên minh nhân đạo quốc tế cho Ukraine hỗ trợ khả năng phòng thủ của Ukraine và gia tăng tối đa sức ép kinh tế nhằm vào Nga.
Chính phủ Anh cũng kêu gọi theo đuổi các giải pháp ngoại giao để giảm leo thang căng thẳng với sự tham gia đầy đủ của Chính phủ Ukraine, tăng cường an ninh tại khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và ngăn chặn các hoạt động của Nga ở Ukraine. Theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có cuộc thảo luận với lãnh đạo các nước thuộc Nhóm Visegrad (gồm CH Czech, Slovakia, Hungary và Ba Lan) vào ngày 8-3.
Liên quan vấn đề trên, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng Trung Quốc cần đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Nga - Ukraine, trong bối cảnh các cường quốc phương Tây không thể đảm đương vai trò này.
Lên kịch bản tránh phụ thuộc khí đốt
Trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng EU cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga thông qua việc sử dụng hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng.
Theo bà Ursula von der Leyen, EU cần hỗ trợ người tiêu dùng đang gặp vấn đề nghiêm trọng với việc giá hydrocarbon ở châu Âu tăng nhiều lần trong giai đoạn 2021-2022. Vấn đề này sẽ là trọng tâm tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Versailles trong hai ngày 10 và 11-3. Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước EU và 45% lượng khí đốt nhập khẩu trên thế giới.
Đức là một trong những quốc gia có kế hoạch giảm nguồn cung phụ thuộc vào Nga sớm nhất trong khu vực. Đức hy vọng sẽ thay thế nguồn cung khí đốt của Nga bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Chính phủ Đức dự định xây dựng một cầu cảng chuyên để bốc dỡ và lưu kho LNG trên bờ biển Bắc. LNG dễ vận chuyển hơn, cho phép Đức có thể nhập khẩu khí đốt thông qua đường biển từ các nước không có kết nối bằng đường ống, như Mỹ hoặc Qatar.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tới sáng 6-3, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania phối hợp với Hội người Việt Nam tại Romania cùng nhiều hội đoàn khác của người Việt ở nước này đã đón và tiến hành công tác hỗ trợ cho khoảng 800 người Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang Romania. |