Trong khi đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga nhưng để ngỏ đối thoại.
Không đối đầu
Trong đoạn video phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Bảo vệ Tổ quốc, Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại trực tiếp và thẳng thắn để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề phức tạp nhất. Nhưng lợi ích của Nga, an ninh cho công dân của chúng tôi thì không thể thương lượng”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Nga bắt đầu sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi thủ đô Kiev của Ukraine. Người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Kiev, ông Denis Golenko, đã xác nhận thông tin trên khi được báo chí hỏi về quá trình sơ tán. Hãng tin Sputnik dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Trong tình hình hiện nay, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ tính mạng và sự an toàn của các nhà ngoại giao Nga, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao Nga. Do đó, lãnh đạo Nga quyết định sơ tán nhân viên thuộc các phái bộ ngoại giao Nga ở Ukraine”. Thông báo cũng nêu rõ các nhân viên ngoại giao Nga “nhận được những lời đe dọa”.
Thượng viện Nga, ngày 22-2, đã thông qua đề xuất triển khai quân đội ra nước ngoài của Tổng thống Vladimir Putin. Sau khi công nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga sử dụng các lực lượng vũ trang Nga để bảo đảm hòa bình trên lãnh thổ của DPR và LPR. Tổng thống Putin nhấn mạnh ưu tiên của Moscow là “không đối đầu, nhưng phải đảm bảo an ninh”.
Phản ứng các bên
Phản ứng việc Nga công nhận chủ quyền của DPR và LPR, Mỹ công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga. Theo hãng tin Tass, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo đợt trừng phạt đầu tiên nhằm vào các thể chế tài chính của Nga và giới tinh hoa trong lĩnh vực này, có hiệu lực từ ngày 23-2. Trong số những thể chế tài chính lớn bị trừng phạt có Ngân hàng Quân đội của Nga.
Ông Joe Biden cũng cho biết Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí “phòng thủ” cho Ukraine và triển khai quân đội nhằm tăng cường sức mạnh cho các đồng minh NATO và ở Đông Âu. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh vẫn còn thời gian để “ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất” thông qua con đường ngoại giao.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thông báo 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí thông qua gói biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào những ngân hàng đang cung cấp tài chính cho giới hoạch định chính sách của Nga và các hoạt động khác ở miền Đông Ukraine. Tuy vậy, các biện pháp trừng phạt sẽ không được áp dụng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngoài ra, ông Borrell cũng nhấn mạnh EU sẵn sàng đối thoại với Nga, song không phải trong tình huống xảy ra đe dọa quân sự.
Trong khi đó, Anh cũng thông báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng và 3 tỷ phú của Nga liên quan vấn đề Ukraine. Các ngân hàng Nga mà Anh tuyên bố trừng phạt gồm Rossiya, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank, cùng 3 tỷ phú Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg - sẽ bị đóng băng toàn bộ tài sản tại Anh. Các tỷ phú này cũng sẽ bị cấm đến Anh. Mọi cá nhân và thực thể tại Anh không được phép giao dịch với 3 tỷ phú, 5 ngân hàng bị trừng phạt này.
Sáng 23-2, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng công bố các biện pháp trừng phạt Nga như đình chỉ việc cấp thị thực và đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan các khu vực ly khai của Ukraine. Nhật Bản sẽ áp đặt lệnh cấm thương mại đối với các khu vực này. Australia cùng ngày cũng thông báo áp đặt trừng phạt Nga liên quan vấn đề trên.