Với số liệu đăng ký nguyện vọng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 mà Sở GD-ĐT TPHCM vừa công bố, có hơn 20.000 thí sinh dự thi sẽ trượt khỏi “đường đua” vào lớp 10 công lập. Những học sinh (HS) mới hơn 15 tuổi này sẽ học ở đâu, như thế nào? Để phần nào giải đáp về vấn đề này, ngày 12-5, Báo SGGP đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Tuyển sinh đầu cấp và các hướng đi sau lớp 9 tại TPHCM”.
Nhiều lối rẽ
Phụ huynh Ngô Bảo Thư (quận Gò Vấp) có con dự thi vào lớp 10, lo lắng: “Tỷ lệ bị loại khỏi lớp 10 năm nay khá cao, hơn 100.000 HS lớp 9, nhưng chỉ tuyển hơn 72.000 chỉ tiêu vào công lập. Trong trường hợp không thể vào được trường công lập thì có thể học ở đâu, nhất là với những gia đình không đủ điều kiện để con vào học trường tư, trường quốc tế?”. Tâm tư này cũng đang là thắc mắc chung của rất nhiều phụ huynh trước ngưỡng cửa chuyển cấp quan trọng của con sau khi tốt nghiệp bậc THCS.
Tư vấn cho phụ huynh tại buổi giao lưu trực tuyến, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định, HS tốt nghiệp THCS tại TPHCM không lo thiếu chỗ học. “Nếu không trúng tuyển vào trường công lập thì phụ huynh cứ yên tâm, TPHCM còn có các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cao đẳng nghề với chi phí vừa phải, phù hợp với nhiều gia đình. Tại đây, HS có thể vừa học nghề, vừa học văn hóa, sau này các em vẫn có thể tiếp tục học tiếp lên đại học và cao hơn”, ông Lê Hoài Nam cho biết.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM thông tin thêm, TPHCM có hơn 107.000 HS tốt nghiệp THCS, trong đó có khoảng 92.000 em đã đăng ký dự thi vào lớp 10; còn lại hơn 10.000 em không đăng ký vì đã chủ động chọn các loại hình khác như học nghề, trường phổ thông tư thục, trường quốc tế hoặc đi du học… Năm học 2022-2023, thành phố sẽ tuyển khoảng 72.000 HS vào học các trường công lập. Như vậy, còn khoảng 20.000 em có thể học các loại hình giáo dục khác như: trường nghề (khoảng 60 trường cao đẳng và trung cấp đảm bảo cho 30.000 HS); trường phổ thông ngoài công lập (hơn 90 trường đáp ứng gần 30.000 chỗ học lớp 10); trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (gần 30 trung tâm đáp ứng 10.000 chỗ
học lớp 10).
Giải đáp thắc mắc của phụ huynh xung quanh việc chọn “lối rẽ” sang học nghề, Th.S Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, chia sẻ, đối với học sinh hệ 9+ học lên trung cấp, cao đẳng sẽ có nhiều cái lợi. Thứ nhất là tiết kiệm thời gian vì theo hệ 9+ được học song song văn hóa và chương trình nghề nên chỉ trong 4 năm sẽ sở hữu bằng cao đẳng chính quy, có thể đi làm ngay theo ngạch Kỹ sư thực hành khi 19 tuổi. Đồng thời vẫn được chứng nhận hoàn thành THPT và dự thi tốt nghiệp THPT, liên thông đại học và học lên sau đại học. Còn học thêm 3 năm để lấy bằng THPT, có nguyện vọng xét tuyển vào đại học thì ít nhất phải đến năm 22 tuổi mới ra trường. Thứ hai là tiết kiệm chi phí bởi theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ, chính sách học phí cho HS học hệ phân luồng 9+ ngay sau tốt nghiệp THCS sẽ được hỗ trợ trong quá trình học nghề (3 năm) theo mức quy định.
Trong khi đó, Th.S Quảng Cao Tư, Giám đốc tuyển sinh bậc trung học của Trường Quốc tế Á Châu, cho hay, hệ thống giáo dục tại TPHCM mang đến nhiều sự lựa chọn, nhiều hướng đi phù hợp cho từng đối tượng người học và điều kiện gia đình. Hệ thống trường quốc tế cũng có nhiều phân khúc phù hợp với năng lực, nhu cầu phát triển, mục tiêu giáo dục và lộ trình học tập của từng đối tượng khác nhau, như: trường quốc tế dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo chương trình nước ngoài phù hợp cho HS đặt mục tiêu đi du học hoặc học các trường đại học của nước ngoài tại Việt Nam; trường dạy chương trình của Bộ GD-ĐT kết hợp với chương trình quốc tế để HS có thể linh hoạt lựa chọn hướng đi sau THPT, chuyển tiếp học đại học ở nước ngoài hoặc xét tuyển vào các trường đại học trong nước…
Băn khoăn môn tự chọn
Năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vào lớp 10. Bên cạnh những môn học bắt buộc, HS còn phải chọn môn tự chọn. Sự lựa chọn này ít nhiều ảnh hưởng đến việc thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học sau này. Vì thế, nhiều phụ huynh gửi câu hỏi thắc mắc vì hiện nay các trường THPT vẫn chưa công bố các tổ hợp lựa chọn trong khi HS đã hoàn thành đăng ký nguyện vọng vào lớp 10.
Về vấn đề trên, ông Lê Hoài Nam cho biết, trước khi lựa chọn nguyện vọng thi vào các trường THPT, HS cần nghiên cứu, tham khảo các thông tin về chương trình học của các trường. Sau khi thi đậu lớp 10, HS sẽ chọn các môn tự chọn theo hướng dẫn của trường đã trúng tuyển. Trong quá trình học 3 năm phổ thông, các em hoàn toàn có thể học thêm hoặc chuyển đổi môn nếu trình độ, năng lực đáp ứng được các yêu cầu của môn học năm lớp 11 và 12. Với những môn lựa chọn mà trường phổ thông không giảng dạy chính thức thì có thể tham gia học, sinh hoạt dưới dạng câu lạc bộ của trường hoặc của cụm chuyên môn gồm nhiều trường phối hợp tổ chức.
Xung quanh thắc mắc về việc chuyển trường sau khi có kết quả thi THCS, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, HS có thể thay đổi nguyện vọng 1 lần trước khi thi, cụ thể trong thời gian từ ngày 11 đến hết ngày 16-5. Sau khi trúng tuyển, HS không thể chuyển trường.
Thí sinh mắc Covid-19 vẫn được dự thi |