Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu lo ngại rằng việc hiệp ước sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.
Theo ông Putin, hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc tế đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nếu các đối tác không hứng thú với việc gia hạn thỏa thuận này, Nga sẵn sàng rút khỏi START-3.
Tổng thống Nga lấy làm tiếc khi Mỹ đã “không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán chính thức nào” liên quan việc gia hạn thỏa thuận này, dù Nga đã nói hàng trăm lần rằng Nga đã sẵn sàng cho việc gia hạn. Nếu không có gì thay đổi, Nga sẽ chấm dứt hiệp ước này vào năm 2022. Đồng thời, ông Putin cũng đề xuất mở rộng thành viên tham gia START-3 nhằm mang lại thành công và sự ổn định cho hiệp định.
Tổng thống Putin nói: “Nhìn toàn cảnh, tôi cho rằng, tất cả các quốc gia hạt nhân đều nên tham gia hiệp định…Vì nếu chỉ có các quốc gia chính thức được công nhận là quốc gia hạt nhân tham gia trong khi những quốc gia không được công nhận vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, tiến trình thực thi hiệp định sẽ dừng lại dù đã có thỏa thuận giữa các quốc gia đã được công nhận chính thức là quốc gia hạt nhân. Chúng ta cần tạo ra một diễn đàn rộng khắp cho việc thảo luận và đưa ra quyết định”.
Tuyên bố của người đứng đầu nước Nga đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ nhằm gia hạn Hiệp ước START-3 đến năm 2026, đang giậm chân tại chỗ. Hồi tháng 4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bất ngờ tuyên bố về khả năng gia hạn Hiệp ước START mới với Nga, đánh dấu một sự thay đổi của chính quyền Mỹ kể từ năm 2017 khi ông Trump mới đắc cử đã chỉ trích Hiệp ước START là một “thỏa thuận một chiều” được đàm phán bởi người tiền nhiệm Barack Obama.
Hiệp ước START-3 được Nga và Mỹ ký năm 2010, có hiệu lực từ ngày 5-2-2011. Hiệp ước quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm, số kho vũ khí không còn quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm, máy bay ném bom hạng nặng và 1.550 đầu đạn. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021 nếu Tổng thống hai nước không gia hạn thêm 5 năm nữa.
Đầu năm nay, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga - Mỹ, các nhà phân tích đã lo ngại, động thái này sẽ ảnh hưởng đến việc gia hạn Hiệp ước START mới.
Ngay khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF, các đồng minh của Mỹ và cả nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã hối thúc Mỹ nỗ lực giải quyết bất đồng với Nga liên quan đến hiệp ước này thay vì từ bỏ. Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi Hiệp ước INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc hiệp ước sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.