Nga - Mỹ: Căng thẳng trên địa cầu, hòa thuận trong không gian

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đồng ý tăng một chuyến bay đưa một nhà du hành vũ trụ người Mỹ lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) bằng tàu không gian Soyuz MS của Nga.
Phi hành gia Nga và Mỹ hợp tác làm việc trên ISS
Phi hành gia Nga và Mỹ hợp tác làm việc trên ISS

Đôi bên cùng có lợi

Theo hãng tin Interfax, đây là một phần của thỏa thuận giữa Roscosmos và NASA về các chuyến bay lên ISS. Theo đó, 3 nhà du hành vũ trụ Nga sẽ bay trên tàu vũ trụ Crew Dragon của Mỹ và 3 nhà vũ trụ Mỹ sẽ bay trên tàu Soyuz MS của Nga lên ISS trong giai đoạn 2022-2024. Người đứng đầu Chương trình đưa con người thám hiểm vũ trụ của Nga, ông Sergei Krikalev, nhận định: việc tăng cường một chuyến bay nữa là “có lợi cho cả đôi bên” và hai bên đang phối hợp để tìm lựa chọn tốt nhất. Trước đó, NASA cho biết, các thành viên phi hành đoàn của Mỹ và Nga vẫn làm việc chuyên nghiệp cùng nhau mà không hề căng thẳng.

Thông tin trên phần nào khiến giới chuyên gia hàng không vũ trụ giải tỏa bớt lo ngại sau những đồn đoán về việc Nga và Mỹ sẽ chấm dứt hợp tác trong không gian. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ đã áp dụng các biện pháp cấm vận Nga, bao gồm hạn chế xuất khẩu công nghệ cao.

Đáp lại, phía Nga tuyên bố không tiếp tục cung cấp động cơ tên lửa do Nga sản xuất cho hai nhà thầu của NASA và đang nỗ lực xây dựng trạm vũ trụ riêng; tổ chức các sứ mệnh lên Mặt trăng; tiến hành sản xuất hàng loạt tàu vũ trụ, trong đó có tàu vũ trụ mới tên Orel. Roscosmos cũng từng công bố bản phác thảo về trạm vũ trụ thay thế ISS, có tên gọi Trạm dịch vụ quỹ đạo (ROSS), với các chức năng được tự động hóa và phi hành gia có thể đến đây để bảo dưỡng và thay thế thiết bị.

Sự hợp tác quan trọng

Trạm ISS được phóng vào không gian năm 1998 với sự hợp tác của các cơ quan vũ trụ Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada và châu Âu. Trạm được chia thành các khu vực của Nga và Mỹ, trong đó khu vực của Mỹ sau này do Mỹ và những nước khác tham gia dự án điều hành.

ISS được coi là biểu tượng còn sót lại về hợp tác Nga - Mỹ giữa “cơn bão” căng thẳng liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Chấm dứt sự hợp tác này sẽ là một bước lùi không chỉ đối với hợp tác vũ trụ giữa Nga - Mỹ mà còn ảnh hưởng tới hợp tác vũ trụ quốc tế. Bởi thực tế, trạm ISS được thiết kế trên cơ sở tương hỗ, Nga và Mỹ đều không thể hoạt động mà không có bên kia. Nga hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ về năng lượng điện, trong khi Mỹ phụ thuộc Nga về lực đẩy, kiểm soát, diễn tập.

Nga vận hành 6 trong số 17 module của ISS, bao gồm cả Zvezda, nơi chứa hệ thống động cơ chính. Động cơ này rất quan trọng đối với khả năng duy trì quỹ đạo của trạm và cũng như cách trạm di chuyển ra khỏi các mảnh vỡ không gian nguy hiểm. Theo các thỏa thuận về ISS, Nga giữ toàn quyền kiểm soát và thẩm quyền pháp lý đối với các module của mình.

Tin cùng chuyên mục