Mở cửa bất chấp cấm vận
Theo giới quan sát, những biện pháp trừng phạt Nga của châu Âu mang lại hiệu quả không như mong đợi. Càng phải đối mặt với trừng phạt, Moscow càng tìm cách củng cố sức mạnh trong nhiều vấn đề quốc tế.
Trên thực tế, Liên minh châu Âu (EU) cần đến Moscow để giải quyết nhiều hồ sơ quốc tế. Trừng phạt kinh tế Nga cũng tác động đến EU, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. EU cũng bị phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu giảm căng thẳng với Moscow cũng có thể là hướng đến việc tạo những cơ hội kinh doanh mới với Nga, cũng là cách bảo vệ lợi ích của EU và để bảo đảm ổn định cho châu lục.
Tổng thống Vladimir Putin trong phiên giao lưu thường niên với người dân trên truyền hình hôm 1-7 cho biết kinh tế Nga tiếp tục phát triển bất kể các nước phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận và đe dọa như thế nào. Sputnik dẫn lời ông Putin nói: “Chủ quyền kinh tế của Nga đang gia tăng và khả năng quốc phòng của Nga đã đạt đến mức rất cao”.
Theo Tổng thống Nga, nền kinh tế nước này đã thích nghi với áp lực trừng phạt, theo đó chương trình thay thế nhập khẩu đã thúc đẩy các lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ cao của Nga. Ông Putin nhấn mạnh, thời đại bá chủ tuyệt đối đã qua và thế giới đang thay đổi mạnh mẽ.
Trong diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc họp với các doanh nhân Nga và nước ngoài trong chuyến công tác đến khu vực Liên bang Urals ngày 4-7, Thủ tướng Mishustin khẳng định: “Phát triển lĩnh vực công nghiệp của Nga với sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia khác, các đối tác khác là mục tiêu đặc biệt quan trọng trong hoàn cảnh mới. Đương nhiên, tôi muốn nhấn mạnh về hình thức hợp tác cùng có lợi”.
Kinh tế số
Theo Thủ tướng Mishustin, nền kinh tế Nga vẫn mở cửa với các quốc gia châu Âu, tiếp tục phát triển các cơ chế đối tác đầu tư và công nghệ. Cơ chế SPIC (Hợp đồng đầu tư đặc biệt) 2.0 là một thí dụ về khả năng thấy trước xu hướng sử dụng những công nghệ hứa hẹn nhất trên thị trường toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ Nga cam kết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển năng lực của mình cùng với các đối tác nước ngoài trong tất cả lĩnh vực như vậy”.
Theo hãng tin Tass, Thủ tướng Nga cho rằng đại dịch Covid-19 gây ra rủi ro cho sự ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình số hóa và những thay đổi khác trong lĩnh vực công nghiệp, vốn đã chậm trễ trong nhiều năm.
Ông Mishustin giải thích: “Số hóa đã trở thành một chất xúc tác cho một số lượng lớn những thay đổi trong lĩnh vực công nghiệp trong năm qua ở Nga”. Chính vì vậy, ông Mishustin cho rằng triển lãm công nghiệp Innoprom của Nga đã trở thành sự kiện quốc tế có uy tín, một địa điểm để tiếp xúc giữa các nhà sản xuất lớn, các nhà quản lý công nghiệp.
Innoprom được tổ chức hàng năm tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Yekaterinburg Expo với diện tích tổng cộng là 50.000m² và trung tâm sự kiện 41.600m². Năm nay, Innoprom được tổ chức từ ngày 5 đến 8-7.
Theo Bộ trưởng Bộ Đầu tư và Phát triển vùng Sverdlovsk, bà Victoria Kazakova, Innoprom cho phép chia sẻ các ý tưởng đổi mới trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và số hóa, trong khi kim ngạch thương mại giữa các nước tham gia ngày càng tăng.
Sự kiện sẽ có sự tham gia của đại diện Chính phủ LB Nga, cũng như các doanh nhân và nhà khoa học từ 20 quốc gia. Khoảng 500 diễn giả sẽ tham gia ở các định dạng trực tuyến và trực tiếp. Năm nay, Italy là quốc gia đối tác của triển lãm. Vì vậy sẽ có một cuộc thảo luận về hợp tác song phương và trao đổi kinh nghiệm giữa đại diện các cơ quan chức năng của Nga và Italy.