Vì an ninh và lợi ích quốc gia
Tổng thống Putin đã trình dự luật lên Duma Quốc gia (Hạ viện) ngày 10-5 và Hạ viện thông qua dự luật này 6 ngày sau đó. Ngày 25-5, dự luật được Hội đồng Liên bang (Thượng viện) thông qua. Văn kiện đã được công bố ngày 29-5 trên cổng công báo chính thức.
Nghị sĩ Grigory Karasin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga, cho rằng, biện pháp này là cần thiết để “bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia” của Nga. Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, cho biết: “Với bối cảnh hiện tại, Nga không cần bất cứ hiệp ước an ninh nào, bởi trên thực tế chúng không hề hoạt động”.
CFE được ký năm 1990 và có hiệu lực 2 năm sau đó. Những thành viên tham gia ban đầu là 6 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Vacsava - bao gồm Liên Xô và các đồng minh ở châu Âu - và 16 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hiệp ước cho phép cả hai nhóm có số lượng vũ khí và thiết bị quân sự thông thường ngang nhau, đồng thời đặt ra giới hạn về sự hiện diện của các lực lượng vũ trang. Năm 1999, một thỏa thuận đã được ký kết về việc điều chỉnh CFE, đặt ra các giới hạn cho các nước và vùng lãnh thổ nhất định, chứ không phải các khối.
Các nước thành viên NATO đã không phê chuẩn thỏa thuận này. Sau khi không thể đồng ý về các điều khoản của CFE, năm 2007, Nga đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước. Năm 2015, Nga rút hoàn toàn khỏi các cơ chế CFE.
Đào sâu căng thẳng
Tổng thống Putin cho rằng, hiệp ước CFE “từ lâu đã không còn phù hợp với thực tế” và “không thực sự được thực hiện trong nhiều năm”, cho thấy việc Nga rút lui sẽ không có bất kỳ tác động nào đối với an ninh khu vực. Ông Putin cũng cho rằng, NATO đã tiếp tục mở rộng thành viên của mình, do đó bỏ qua các hạn chế do hiệp ước áp đặt.
Việc Nga rút khỏi CFE tiếp tục đào sâu căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Động thái này cũng góp phần gia tăng lo ngại về an ninh ở châu Âu. Hồi tháng 2, Nga đã đình chỉ tham gia Hiệp ước New START. Đây là một thỏa thuận song phương với Mỹ nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân.
Chính phủ Nga cáo buộc Washington sử dụng quân đội Ukraine như một lực lượng ủy nhiệm để tấn công các sân bay cất giữ máy bay ném bom tầm xa có khả năng hạt nhân của Nga và ngăn chặn các cuộc thanh sát của Nga đối với các cơ sở hạt nhân của Mỹ.
Mỹ trước đây đã rút khỏi một số hiệp ước khác với Nga, viện dẫn lý do đảm bảo sự ổn định chiến lược. Năm 2002, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã rút nước này khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, tuyên bố rằng Mỹ cần một hệ thống phòng thủ quốc gia để tự bảo vệ mình.
Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã chấm dứt Hiệp ước Bầu trời mở, cho phép các bên tham gia tiến hành giám sát trên không đối với quân đội nước ngoài. Mỹ cũng rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, trong đó cấm một số tên lửa phóng từ đất liền.