Nga giữa vòng vây trừng phạt của Mỹ và EU

Ngày 25-2, tại Hội nghị Thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng Nga-Ukraine, lãnh đạo EU đã thông qua một gói trừng phạt Nga do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất. Phía Mỹ cũng đưa ra hành động tương tự.

Đóng băng nhiều lĩnh vực

Các biện pháp trừng phạt của EU liên quan tới lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải và thương mại, cũng như đình chỉ du lịch miễn thị thực tới châu Âu đối với các nhà ngoại giao Nga. Gói biện pháp cũng đề xuất  đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các cá nhân Nga và Belarus có liên quan đến việc chuẩn bị chiến dịch quân sự hiện nay của Nga tại Ukraine. Sau khi được lãnh đạo các nước thành viên EU thông qua, gói trừng phạt này sẽ được chuyển thành các văn bản pháp lý, dự kiến được các ngoại trưởng thông qua vào ngày 25-2 (giờ địa phương). EU cũng có kế hoạch đóng băng tài sản ở châu Âu liên quan đến Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Lavrov.

Binh sĩ Ukraine tại vùng Donbass
Trong khi đó, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao. Theo ông Joe Biden, các biện pháp này được phối hợp cùng với châu Âu sẽ ngăn chặn các ngân hàng hàng đầu của Nga tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và cắt giảm hơn một nửa mặt hàng nhập khẩu công nghệ cao của Nga. Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước tiêu thụ và sản xuất dầu lớn để đảm bảo chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và bảo vệ người tiêu dùng. Đáng chú ý, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không bao gồm việc loại Moscow khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Các lệnh trừng phạt mới sẽ giới hạn khả năng của Nga trong việc giao dịch bằng đồng USD, EUR và yen. Một số quốc gia khác như Nhật Bản, New Zealand cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. 


Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến bỏ phiếu nghị quyết do Mỹ soạn thảo về vấn đề Ukraine vào ngày 25-2 (theo giờ New York). Tuy nhiên, nghị quyết sẽ khó có khả năng được thông qua do Nga là một trong 5 nước ủy viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết.

Cần đối thoại 

Phát biểu sau Hội nghị Thượng đỉnh bất thường EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẵn sàng làm trung gian giữa Nga và Ukraine nhằm dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn. Trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận vấn đề Ukraine.  

Tân Hoa xã cho biết trong cuộc điện đàm theo sáng kiến của Pháp, Tổng thống Putin và người đồng cấp Macron đã trao đổi quan điểm nghiêm túc và thẳng thắn về những diễn biến ở Ukraine. Tổng thống Putin đã nêu rõ nguyên nhân và hoàn cảnh dẫn đến việc ông quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Hai tổng thống cũng nhất trí duy trì liên lạc. Đây là sự liên lạc đầu tiên giữa Tổng thống Nga và một nhà lãnh đạo phương Tây kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Tổng thống Putin cũng có cuộc trao đổi ngắn với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về quan điểm của Nga trong vấn đề Ukraine, trong đó nhấn mạnh các Thỏa thuận hòa bình Minsk không được chính quyền Kiev tôn trọng.

Trả lời truyền thông, Thư ký Báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, Tổng thống Nga Putin sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Ukraine, với trọng tâm là có được sự đảm bảo cơ chế trung lập và cam kết không chứa vũ khí trên lãnh thổ nước này.

Ông Peskov cho biết, những điều khoản này có thể giúp phi quân sự hóa Ukraine và loại bỏ những gì mà Nga xem là mối đe dọa đối với an ninh của người dân và đất nước Nga. Tổng thống Putin sẽ xác định thời gian đàm phán, nhưng cho biết, Nga sẽ chỉ tham gia đàm phán nếu nhà lãnh đạo của Ukraine sẵn sàng. Chiến dịch quân sự có những mục tiêu riêng và những mục tiêu này cần phải đạt được. Nếu Kiev đáp ứng các yêu cầu, Nga có thể dừng cuộc tấn công vào Ukraine. Nga sẵn sàng cử một phái đoàn tới thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán với Ukraine.

Theo Sputnik, trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đối thoại giữa Ukraine và Nga nhằm chấm dứt xung đột sớm muộn sẽ diễn ra. 

Ngày 25-2, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng mới đây tại Ukraine và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên hiệp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn cùng các cơ quan chức năng trong nước đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân...

Theo Chính phủ Ukraine, các lực lượng vũ trang Nga đã tiến vào khu vực Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl, nơi từng diễn ra thảm họa hạt nhân năm 1986. Phía Nga xác nhận đã bố trí lực lượng binh sĩ tại khu vực này. Thống kê từ Ukraine cho biết có 137 người chết và 316 người bị thương từ ngày 24-2. Tổng thống Zelensky phát lệnh tổng động viên, yêu cầu nam giới 18-60 tuổi không rời đất nước. Đã có một số vụ nổ được ghi nhận ở khu vực ngoại ô thành phố Kiev. Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov nhận định, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ được hoàn thành trước ngày 2-3 nếu các nhiệm vụ được hoàn thành trước thời hạn, trong đó có việc vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine vốn thực hiện các vụ tấn công Donbass trong 8 năm qua.

Tin cùng chuyên mục