Thiệt hại không nhỏ
Các cơ quan chức năng Nga sẽ có 2 ngày hoàn thiện và công bố danh mục hàng hóa và nguyên liệu thô thuộc diện cấm xuất - nhập khẩu căn cứ theo sắc lệnh trên. Việc Tổng thống Putin ban hành sắc lệnh trên nhằm đáp trả việc Mỹ và nhiều nước áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Mới nhất, ngày 8-3, Washington thông báo cấm nhập khẩu dầu từ Moscow, trong khi London tuyên bố đến cuối năm nay sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Birichevsky nêu rõ, các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga có thể gây ra thiệt hại to lớn cho công dân của chính các nước thành viên. Ông cho rằng các biện pháp của EU dẫn đến hậu quả là phá vỡ chuỗi thương mại và sản xuất hiện có cũng như gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng tại EU.
Bất chấp cảnh báo, ngày 9-3, Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt mới về hàng không nhằm vào Nga, theo đó cho phép nước này quyền bắt giữ bất kỳ máy bay nào của Nga cũng như cấm xuất khẩu sang Nga các mặt hàng liên quan tới hàng không hay vũ trụ. Anh cũng sẽ mở rộng lệnh cấm đối với máy bay của Nga, theo đó sẽ xử lý hình sự nếu bất kỳ máy bay nào của Nga bay qua không phận hay hạ cánh xuống nước này. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt đối với hoạt động hàng không đang đe dọa sự an toàn của các chuyến bay chở khách của Nga.
Cùng ngày, EU đã nhất trí bổ sung 146 nghị sĩ trong Thượng viện Nga cùng 14 nhà tài phiệt có liên hệ với Điện Kremlin và thân nhân vào danh sách trừng phạt. Quyết định này nằm trong vòng trừng phạt mới của châu Âu nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
Lộ trình của EU
Ngày 9-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, EU có đủ lượng khí tự nhiên hóa lỏng đến cuối mùa đông này để không phải nhập khẩu từ Nga. Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh, mục đích của các lệnh trừng phạt là nhằm gây thiệt hại tối đa đối với Nga và giảm thiểu tác động đến các nền kinh tế phương Tây. Trước đó, EC đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga “trước năm 2030”. Mục tiêu trên sẽ được thực hiện bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng nguồn năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch. Biện pháp này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm thực hiện. Hiện Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU. Thủ tướng Czech Petr Fiala thừa nhận, không thể ngay lập tức giảm sự phụ thuộc vào khoáng sản từ Nga, đặc biệt là ở những quốc gia có mức giá cao. Vì vậy, cần tìm kiếm nguồn cung thay thế cả trong ngắn hạn và có các chiến lược dài hạn.
Trong một diễn biến liên quan, tập đoàn British Petroleum (BP) của Anh và Shell của Hà Lan thông báo sẽ không ký các hợp đồng mới để mua dầu mỏ và khí đốt Nga. Tuy nhiên, để ngỏ khả năng từ bỏ chính sách này nếu có mối đe dọa đối với an ninh nguồn cung năng lượng cho người tiêu dùng… BP cũng đã thông báo bán cổ phần của mình tại tập đoàn Rosneft của Nga. Ngoài BP, còn có ExxonMobil, OMV và các công ty khác thông báo ngừng hoạt động tại Nga.
Ngày 9-3, Ukraine và Nga đã nhất trí lệnh ngừng bắn kéo dài nguyên một ngày xung quanh một loạt hành lang sơ tán để cho phép dân thường thoát khỏi cuộc giao tranh. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, nước này sẽ cố gắng sơ tán dân thường thông qua 6 hành lang nhân đạo. Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi cho biết, số người chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây có thể đã lên tới 2,1 - 2,2 triệu người. |