Chuyển hướng phát triển sang thị trường mới
Theo trang tin Oil Price, trong ngày 28-12, giá dầu Brent giao tháng 2-2023 tăng 0,5% lên 84,33 USD/thùng nhưng sau đó giảm vào cuối phiên giao dịch, còn 84,11USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 2-2023 giảm khoảng 0,4% xuống 79,15 USD/thùng.
Giới phân tích cho rằng diễn biến trái chiều của giá dầu thế giới cho thấy mức giá trần của các nước phương Tây và biện pháp đáp trả mới nhất của Nga sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường dầu mỏ thế giới hiện nay, vì Nga bán gần 80% lượng dầu thô cho châu Á và chỉ 17% cho châu Âu.
Sắc lệnh đáp trả của Nga cũng khẳng định Tổng thống Nga Putin “có thể cấp phép đặc biệt” để bán dầu và các sản phẩm dầu trong một số trường hợp nhất định ngay cả khi người mua tuân thủ giới hạn mức giá trần của phương Tây.
Theo sắc lệnh của Điện Kremlin, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1-2-2023 và kéo dài 5 tháng cho đến ngày 1-7-2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu dầu thô sang những quốc gia áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga bắt đầu bị cấm từ ngày 1-2-2023, nhưng đối với các sản phẩm từ dầu mỏ, thời điểm bắt đầu thi hành lệnh cấm sẽ do Chính phủ Nga quyết định, có thể là sau ngày 1-2-2023. Sắc lệnh còn bao gồm một điều khoản cho phép Tổng thống Vladimir Putin bãi bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã đề cập khả năng thâm hụt ngân sách năm 2023 của Nga có thể cao hơn mức dự kiến 2% GDP do biện pháp áp giá trần ảnh hưởng đến nguồn thu, nhưng Nga sẽ tìm cách phát triển các thị trường mới, giúp khôi phục xuất khẩu dầu mỏ. Nga cũng thông báo có thể cắt giảm 5-7% sản lượng dầu mỏ vào đầu năm 2023 nhưng Moscow sẽ đảm bảo thực hiện các cam kết chi tiêu công nhờ vào các nguồn vốn dự phòng.
Theo ông Anton Siluanov, nếu xuất khẩu sụt giảm, nước này sẽ có 2 nguồn tài chính bổ sung khác là Quỹ Tài sản quốc gia (NWF), tích lũy dự trữ quốc gia và các khoản vay.
Hành động không thân thiện
Theo các nước phương Tây, biện pháp này nhằm làm giảm nguồn thu của Nga, qua đó gây sức ép trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, Nga xem việc áp mức giá trần này của Mỹ và các quốc gia phương Tây khác là không thân thiện và trái với luật pháp quốc tế.
Tổng thống Vladimir Putin cho rằng nếu giá dầu từ Nga hoặc các quốc gia khác bị hạn chế và giới hạn giá giả tạo được đưa ra, điều đó sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tài nguyên năng lượng và chi phí của năng lượng sẽ tăng lên.
Trước đó, Nga đã có các động thái đáp trả cứng rắn khi cấm các nước mua khí đốt của Nga thanh toán bằng đồng USD và EUR. Nga chỉ chấp nhận cho các quốc gia được cho là “thiếu thân thiện”, gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)…, thanh toán bằng đồng rouble; Tập đoàn Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan; khóa van khí đốt sang Phần Lan, Đan Mạch; giảm cung cấp khí đốt cho Đức qua Dòng chảy phương Bắc 1, chỉ còn 20% công suất bình thường.
Nhiều nước EU đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để thay thế sản phẩm từ Nga. EU ký thỏa thuận với Azerbaijan; tìm nguồn cung bù đắp từ Qatar, Na Uy và Algeria; xây dựng một kế hoạch khẩn cấp nhằm hạn chế tiêu thụ khí đốt trong khối để các quốc gia tiết kiệm đủ khí đốt vượt qua mùa đông. Mỹ cấm nhập khẩu dầu, khí đốt từ Nga và đồng ý cung cấp cho châu Âu thêm 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong năm nay.