Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các bước tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư. Đây là thông báo của Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 3-2 về kết quả của các cuộc đàm phán ở Moscow giữa Ngoại trưởng Nga và Tổng Thư ký ASEAN.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai bên thỏa thuận chuẩn bị một gói biện pháp toàn diện để phát triển hợp tác Nga - ASEAN trong giai đoạn sau năm 2020. Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock cũng đã hội đàm với các bộ trưởng phát triển kinh tế, tài chính, khoa học và giáo dục đại học của Nga trong chuyến thăm làm việc của ông từ ngày 2 đến 4-2.
Theo các quan chức ngoại giao Nga, chuyến thăm này nằm trong chiến lược phát triển quan hệ giữa hai bên, đặc biệt là về việc thiết lập hợp tác giữa ASEAN với Liên minh kinh tế Á - Âu (Nga là thành viên sáng lập) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng phối hợp chính sách đối ngoại trong các nền tảng đa phương quan trọng và trong lĩnh vực an ninh quốc tế. Moscow coi ASEAN là một đối tác đáng tin cậy và là cộng sự trong việc hình thành một hệ thống an ninh mở và cân bằng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, hợp tác Nga - ASEAN đang được phát triển trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg và Diễn đàn Kinh tế phương Đông. “Chúng tôi hy vọng ASEAN sẽ tham gia vào các hội nghị này ở cấp cao nhất trong năm nay”, ông Lavrov nói.
Nga đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ 3 tại khu nghỉ mát ở Sochi năm 2016 nhân kỷ niệm 20 năm Nga trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh này nhằm tạo động lực mới cho những nỗ lực lâu dài của Nga ở Đông Nam Á và nhằm củng cố mối quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn. Kể từ sau cuộc xung đột mới giữa Nga với phương Tây liên quan đến Ukraine, Nga đã tìm cách đẩy nhanh quá trình hướng Đông nhằm tránh sự cô lập và phá vỡ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo mạng lưới nghiên cứu và an ninh Á - Âu (Ponarseurasia), ngoài quan hệ với Trung Quốc, những nỗ lực của Nga nhằm mở rộng quan hệ với châu Á đưa Nga gần hơn với các nước khu vực Đông Á, Ấn Độ và ASEAN. Đồng thời, mối quan tâm của Nga trong khu vực Đông Nam Á đang tăng lên, một phần vì lợi ích kinh tế tiềm năng nhưng chủ yếu là vì lý do địa chính trị.
Tăng cường ảnh hưởng của Nga ở Đông Nam Á có thể giúp Nga cân bằng vai trò với Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này. Hơn thế nữa, Nga đã thành công hơn trong việc tăng cường quan hệ an ninh với một số quốc gia ở Đông Nam Á. Nga cũng là nhà cung cấp thiết bị quân sự tiên tiến cho khu vực, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Nga không gây ra mối đe dọa an ninh cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực và không có yêu sách lãnh thổ ở Đông Nam Á. Các thành viên ASEAN cũng có xu hướng coi Nga là một đối trọng hữu ích với cả Trung Quốc và Mỹ. Thêm vào đó, Nga cùng quan điểm về an ninh khu vực, bao gồm hỗ trợ cho đa cực và không can thiệp và ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, phù hợp với các quốc gia ở Đông Nam Á