Cả phiên thảo luận sáng và chiều đều rất sôi nổi, những tranh luận thẳng thắn. Hầu hết các ý kiến đều phân vân khi tách thành 2 luật, có bị tăng biên chế không, có gây lãng phí không, có cần thiết không.
Vấn đề chuyển giao trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) sang cho Bộ Công an cũng nhận nhiều tranh luận của ĐBQH.
Trong phiên thảo luận chiều 16-11, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng, nếu thay đổi sẽ gây tốn kém do thay đổi cấp lại GPLX trong khi Chính phủ đang kêu gọi tiết kiệm, dành nguồn lực để phát triển đất nước. Hiện giấy tờ do ngành công an cấp như hộ chiếu, chứng minh thư nhân dân cũng bị làm giả, thậm chí có cả công an giả để lừa dân. Do đó không nên giao hết quyền lực vào một số bộ ngành nào đó để tránh đặc quyền, đặc lợi.
“Chưa thấy ai giả danh nông dân vì có giả cũng không lừa được ai. 1 nghề cho chín, còn hơn 9 nghề. Hiện tội phạm ma túy, giết người đang gia tăng cần được kiềm chế. Do đó ngành công an cần tập trung giải quyết vấn đề tội phạm để quốc thái, dân an là nhân dân mừng lắm rồi, không cần nhận thêm nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX”- ĐB Nguyễn Quốc Hận bày tỏ quan điểm không nên chuyển quản lý cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cũng cho rằng việc tách luật là không phù hợp. Điều này gây xáo trộn, mất ổn định, do đó Chính phủ phải hết sức cân nhắc, thận trọng. ĐB cho rằng việc giao quản lý lĩnh vực quản lý đào tạo, sát hạch GPLX cho Bộ Công an sẽ gây xáo trộn, làm tăng biên chế, phải sắp xếp lại trụ sở, điều chỉnh hồ sơ, tài liệu sắp xếp lại các trung tâm sát hạch, cấp phép GPLX… gây lãng phí rất lớn. Do đó, ĐB đề nghị hoàn thiện thêm luật bảo đảm giao thông đường bộ thay vì tách thành 2 luật.
ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) lại đồng ý tách thành 2 luật, bởi giao thông đường bộ có vị trí trọng yếu đối với kinh tế quốc gia, thị phần giao thông đường bộ tăng nhanh trong những năm vừa qua, tăng 10-15% với nhiều loại phương tiện giao thông. Tai nạn giao thông đường bộ chiếm 90-95% số vụ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đáng chú ý, giao thông đường bộ thường là nơi có vi phạm luật giao thông phổ biến nhất, chiếm 80-90%, nơi xảy ra nhiều loại tội phạm khác nhau… giao thông đường bộ cũng liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, đến quyền con người, do đó phải hoàn thiện luật pháp về vấn đề này. Thực tế, nhiều quốc gia cũng đã tách thành công 2 lĩnh vực này.
“Việc xây dựng luật phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, người dân, xây dựng văn minh đất nước, để bảo đảm cho người dân hàng ngày ra đường không phải lo lắng vì tai nạn giao thông. Việt Nam cần xây dựng sớm văn hóa giao thông, do đó đồng ý tách thành 2 luật”, ĐB Nguyễn Thị Xuân nói.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) không đồng ý tách thành 2 luật. Giao thông đường bộ là lĩnh vực mang tính chuyên sâu, những gì còn tồn tại từ việc thi hành pháp luật thì phải hoàn thiện, khắc phục chứ không phải là tách ra thành luật khác, giống như tách con ra khỏi mẹ.
“Trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ là một lĩnh vực thuộc giao thông đường bộ mà thôi. Trong khi chúng ta đang hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy, tách ra sẽ đi ngược chủ trương đó, gây ra quyền anh quyền tôi, xung đột lợi ích, gây xáo trộn không cần thiết. Một bộ quản lý hạ tầng, một bộ quản lý con người, như vậy là không đồng bộ, hạ tầng và con người phải đi liền với nhau”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói, đồng thời cho hay, nhiều cử tri cũng không tán thành tách luật.
Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, trên thế giới, chỉ có một vài quốc gia tách ra thành 2 luật này. “Thời đại 4.0, tới đây là 5.0 rồi 6.0, chúng ta sẽ sử dụng dữ liệu dùng chung, do đó, đề nghị Quốc hội giao lại cho Chính phủ nghiên cứu lại vấn đề này. Nếu tách, đề nghị Bộ Công an giao lực lượng cảnh sát giao thông cho Bộ GTVT, để cùng lực lượng thanh tra giao thông thực thi tốt nhiệm vụ, như thế còn hiệu quả hơn là chuyển về Bộ Công an”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị.
Giải trình lại các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến ĐB nêu. Về việc có cần thiết tách luật, Bộ trưởng cho biết, trật tự an toàn giao thông là một bộ phận của trật tự an toàn xã hội, là trách nhiệm của Bộ Công an. Chính phủ cũng đã xác định rõ trách nhiệm chính của Bộ Công an trong giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trong đó có trật tự an toàn giao thông. Bộ trưởng cam kết tách luật sẽ không tăng biên chế, không lãng phí. “Bộ Công an nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhân dân về bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng cho rằng, đây không phải là tách luật, mà xu hướng là càng ngày luật càng đi vào lĩnh vực cụ thể, chuyên ngành. Thực tế ban đầu cũng chỉ có 1 luật, sau có thêm nhiều luật như Luật Khiếu nại, tố cáo sau cũng thành 2 luật. “Đây không phải là vấn đề chia tách, không phải quyền anh quyền tôi. Luật này nhằm bảo đảm tăng cường giáo dục luật pháp về giao thông cho người dân, để từ người già trẻ nhỏ ai cũng biết và làm theo luật. Nếu để chung với Luật Giao thông đường bộ thì quá dài, dân không nhớ hết được. Vì thế, 2 bộ đã có sự thống nhất, Chính phủ cũng đã ủng hộ để xây dựng luật dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi”, Bộ trưởng giải thích.