
* Phóng viên: Thưa ông, nếu mức thuế 46% được áp dụng lên hàng hóa Việt Nam sẽ tác động thế nào đến ngành điều?
* Ông BẠCH KHÁNH NHỰT: Mặc dù tất cả các phương tiện truyền thông đều đưa tin về việc chính quyền Tổng thống Trump áp thuế 46% lên hàng hóa từ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có danh mục cụ thể các mặt hàng bị ảnh hưởng.
Riêng với hạt điều, tôi cho rằng mặt hàng này nhiều khả năng không bị áp mức thuế cao nhất, bởi điều không phải là sản phẩm có tác động trực tiếp đến an ninh kinh tế của Mỹ.
Thêm nữa, Mỹ không phải là thị trường duy nhất của ngành điều Việt Nam. Chúng tôi còn xuất khẩu sang nhiều nước khác. Dù vậy, với mức thuế tối thiểu là 10% mà Mỹ có thể áp dụng vẫn sẽ gây tác động đáng kể đến đơn giá sản phẩm, chi phí vận chuyển và tiền lương lao động của các doanh nghiệp xuất khẩu điều.
* Tại sao ông tin rằng hạt điều Việt Nam không bị áp mức thuế cao nhất?
* Dù chưa có danh sách chính thức, chúng tôi tin rằng hạt điều có khả năng không nằm trong nhóm chịu mức thuế cao nhất. Lý do là Mỹ không có vùng trồng điều, cũng không có nhà máy chế biến điều quy mô lớn, nên sản phẩm điều nhân nhập khẩu từ Việt Nam không trực tiếp cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của Mỹ. Nếu bị áp thuế quá cao, ngành bán lẻ thực phẩm Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn, vì giá sản phẩm tăng mạnh.
Dù vậy, cả nhà xuất khẩu Việt Nam lẫn nhà nhập khẩu Mỹ đều phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

* Các nhà nhập khẩu Mỹ phản ứng thế nào trước tình hình này, thưa ông?
* Các nhà mua hàng bên Mỹ đã có phản hồi đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, đối với những lô hàng đã lên tàu và đang trên đường sang Mỹ, họ cam kết giữ nguyên hợp đồng và tiếp tục nhập khẩu. Tuy nhiên, với những container chưa xuống tàu, họ đề nghị doanh nghiệp tạm hoãn xuất hàng để chờ xem chính sách thuế áp dụng ra sao.
Thực tế, ngay cả các nhà nhập khẩu Mỹ cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi mức thuế này. Giá cả sẽ biến động theo chính sách mới, nên họ muốn có thời gian để đánh giá trước khi quyết định. Hiện tại, họ đề nghị chờ thêm vài ngày để có thông tin chính xác hơn về mức thuế áp dụng cho từng mặt hàng.
* Như vậy, ngành điều chắc chắn bị ảnh hưởng khi Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam?
* Trong gần 10 năm qua, Mỹ luôn là thị trường số một của ngành điều Việt Nam, chiếm khoảng 25-27% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kế đó là Trung Quốc với 20% và EU khoảng 17-18%.
Nếu Mỹ áp thuế tối thiểu 10% lên hạt điều, lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này chắc chắn sẽ giảm. Khi giá bị đẩy lên cao, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ hạn chế mua sắm. Trong trường hợp đó, Mỹ có thể không còn là thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp Việt Nam nữa.
* Trước thách thức từ thị trường Mỹ, liệu ngành điều Việt Nam có cơ hội từ thị trường khác?
* Như vừa rồi đã đề cập, thị phần xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 25-27% thì cũng chênh lệch không quá lớn so với các thị trường khác. Và ngoài xuất khẩu sang Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu điều của chúng ta còn bán hàng tới những thị trường khác. Cho nên, tôi tin rằng trong nguy vẫn có cơ hội. Rõ ràng, việc áp thuế cao tạo ra khó khăn trước mắt, đặc biệt với những doanh nghiệp đã gắn chặt với thị trường Mỹ, nhưng điều này cũng mở ra cơ hội để chúng ta mở rộng và khai thác thị trường mới.
Một trong những thị trường đầy tiềm năng hiện nay là Trung Đông. Đây là khu vực có nhu cầu tiêu thụ hạt điều ngày càng tăng. Trong vòng 2 năm gần đây, Trung Đông đã trở thành điểm nóng của ngành điều Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng mạnh. Nếu có chiến lược tiếp cận tốt, chúng ta hoàn toàn có thể bù đắp sự sụt giảm từ thị trường Mỹ.

* Tuy nhiên, Trung Đông vẫn còn là thị trường mới. Doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ gì để chuyển hướng?
* Như tôi đề cập, do là thị trường mới khai thác mạnh khoảng 2 năm nay nên Trung Đông vẫn còn là thị trường có nhiều bỡ ngỡ với các nhà xuất khẩu điều Việt Nam. Trong khi hiện nay, so với các thị trường truyền thống như Mỹ hay EU, hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Đông vẫn còn hạn chế. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều gặp khó khăn trong việc nắm bắt chính sách thuế, thủ tục xuất nhập khẩu và thói quen tiêu dùng tại khu vực này.
Chúng tôi rất mong muốn có sự hỗ trợ mạnh hơn từ các cơ quan thương mại của Việt Nam, bao gồm: cử thêm tham tán thương mại tại Trung Đông để cập nhật thông tin thị trường và chính sách xuất nhập khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối giao thương. Chia sẻ thông tin về thuế, thủ tục hải quan để doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn.
Nếu làm tốt những điều này, tôi tin rằng ngành điều Việt Nam có thể nhanh chóng thích nghi và phát triển mạnh tại Trung Đông, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.