Nếu khu thương mại tự do thành công tại Đà Nẵng thì nên nhân rộng ngay

Phát biểu tại nghị trường sáng 7-6, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị Đà Nẵng ưu tiên triển khai khu thương mại tự do để nếu thành công thì nhân rộng và “nên nhân rộng ngay”.

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 7, sáng 7-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Chính sách thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (điều 13 dự thảo Nghị quyết) là quy định được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm.

THÔNG.jpeg
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận). Ảnh: QUANG PHÚC

Ủng hộ chính sách này, song ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) lưu ý, do sự khác biệt về thể chế, đặc điểm địa chính trị và nhu cầu phát triển thương mại của từng quốc gia và đây cũng là mô hình đầu tiên chưa có tiền lệ ở nước ta từ trước đến nay, ĐB kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt để “vừa làm vừa kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và nhất là định lượng được các tác động của chính sách”.

TRẦN HOÀNG NGÂN.jpeg
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Phân tích tổng quát các yếu tố thuận lợi nổi bật của TP Đà Nẵng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận định: “Đà Nẵng sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa nếu có cơ chế phù hợp. Trước mắt tập trung xây dựng cơ chế huy động nguồn lực xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước”.

Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân lưu ý, trong khoảng 30 cơ chế, chính sách đặc thù được nêu trong dự thảo nghị quyết, Đà Nẵng nên có sự lựa chọn thứ tự ưu tiên để có bước đi vững chắc, vì nếu triển khai đồng bộ sẽ không đủ lực, vì mong muốn thu hút nhiều nguồn vốn, nhưng không phải lúc nào cũng có. Việc triển khai thu hồi đất và áp dụng các cơ chế ưu đãi cũng phải có thời gian.

“Tôi rất ủng hộ thành lập cơ chế thành lập khu thương mại tự do. Đây là một cơ chế đã rất thành công trên thế giới. Việt Nam có bờ biển dài, đẹp với 3.260km và chúng ta đã quy hoạch có hơn 34 cảng biển quốc tế, đây là điểm rất thuận lợi nên Đà Nẵng đi đầu thực hiện cơ chế thí điểm này là rất phù hợp”, ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị khi Đà Nẵng triển khai thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng và “tôi mong sẽ nhân rộng ngay chứ không phải chờ đợi”, vì cả nước có nhiều thành phố, địa phương có cảng kết nối được với khu thương mại tự do như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Cần Thơ, Trà Vinh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi…

Mặc dù vậy, để khu thương mại tự do có thể phát triển thì điều quan trọng nhất là hạ tầng phải kết nối được bên trong và bên ngoài khu thương mại. Dĩ nhiên hàng hóa đi qua khu thương mại tự do phải chịu thuế xuất nhập khẩu, nhưng phải đảm bảo sự kết nối.

Cùng với đó, theo ĐB Trần Hoàng Ngân, phải phân cấp trọn gói để Đà Nẵng có thể thực hiện được, chứ cứ động đến tài nguyên hay đất đều phải đi xin thì rất khó.

HÀ SĨ ĐỒNG.jpeg
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng tán thành việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lưu ý đến khía cạnh nhân lực. Ông nói: “Để thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù như vậy thì không thể thiếu các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Tuy nhiên, theo ĐB, dự thảo Nghị quyết chưa đề cập đến các giải pháp cụ thể, bao gồm chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với các nhà khoa học, các chuyên gia, người có tài năng… Theo ĐB, khái niệm “người có tài năng” cũng chưa đủ rõ và “liệu có thống nhất với khái niệm “nhân tài” đã được sử dụng trong các văn kiện của Đảng cũng như của Chính phủ?”.

ĐB Hà Sỹ Đồng kiến nghị, dự thảo Nghị quyết nên bổ sung thêm 3 chính sách để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện các chính sách đặc thù của Nghị quyết. Đó là: cơ chế, chính sách xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cơ chế, chính sách thu hút và chính sách trọng dụng nhân tài; các cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin cùng chuyên mục