Nếu không có anh cảnh sát khu vực, có lẽ tôi đã không qua khỏi

 “Giây phút tôi tuyệt vọng nhất tưởng rằng mình sắp chết thì đồng chí Dũng xuất hiện, đưa tôi đi cấp cứu. Dũng lo từng bộ quần áo, lấy nước cho tôi uống thuốc rất ân cần chu đáo. Nếu không có cậu ta chắc tôi không còn sống đến bây giờ”.

Đó là câu chuyện của bà Đàm Thị Vẽ, 73 tuổi, phường Tân Phú, TP Thủ Đức (TPHCM). Bà có hoàn cảnh neo đơn, con cái ở xa, một mình sống trong căn nhà nhỏ ở phường Tân Phú. Tuổi cao sức yếu lại mang nhiều bệnh lý trong người như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, cộng thêm những di chứng để lại từ thời chiến tranh nên những lúc trái gió trở trời bệnh thường hay tái phát. Hai tháng nay, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi khám bệnh của bà gặp nhiều khó khăn.

Chiều 16-7, bà Vẽ đột nhiên lên cơn co giật, khó thở, huyết áp tăng mạnh mà trong nhà lại không còn thuốc. Đang lúc bối rối, bà Vẽ chợt nhớ đến anh cảnh sát khu vực Phạm Tiến Dũng nên điện thoại nhờ giúp đỡ. Trong tích tắc, anh Dũng đã có mặt đưa bà đi cấp cứu.

Nếu không có anh cảnh sát khu vực, có lẽ tôi đã không qua khỏi ảnh 1 Bà Đàm Thị Vẽ, 73 tuổi, phường Tân Phú, TP Thủ Đức (TPHCM) bên bịch thuốc trung uý Dũng mua giúp. Ảnh: BẢO TRÂN

Nhớ lại phút giây sinh tử đó, bà Vẽ rơm rớm nước mắt: “Lúc đó, tôi lên cơn co giật, các cơ co cứng hết, huyết áp lên cao tột đỉnh. Tôi thì có một thân một mình, con cái ở xa nên không tới kịp. Chợt nhớ tới đồng chí Dũng, tôi mới cố gượng dậy lấy điện thoại điện cho cậu ấy. Chỉ chừng 15 phút sau thì Dũng tới."

"Thật sự, giây phút tôi tuyệt vọng nhất tưởng rằng mình sẽ chết thì đồng chí Dũng xuất hiện đưa tôi đi cấp cứu. Dũng lo từng bộ quần áo, lấy nước cho tôi uống thuốc rất ân cần chu đáo. Dũng là ân nhân cứu mạng của tôi, nếu không có cậu ta chắc tôi không còn sống đến bây giờ”. bà Vẽ kể lại sự việc

Từ chia sẻ của bà Vẽ, chúng tôi tìm gặp trung úy Phạm Tiến Dũng, cảnh sát khu vực Khu phố 4, phường Tân Phú, TP Thủ Đức. Anh Dũng cho biết, lúc đó khoảng gần 5 giờ chiều, khi anh vừa hết ca trực thì có số điện thoại lạ gọi đến. Đầu dây bên kia, bà Vẽ nói bị mệt trong người, không dậy nổi nhờ anh đến xem sao. Do biết hoàn cảnh bà Vẽ từ trước nên khi nghe bà nói vậy, anh liền chạy đến.

Được biết, lúc này phường Tân Phú đang trong giai đoạn phong tỏa nên việc ra vào gặp rất nhiều khó khăn. Trung uý Dũng đã nhanh nhẹn đến thẳng ủy ban phường xin giấy thông hành đưa bà Vẽ ra ngoài khu phong tỏa đi cấp cứu. Sau khi bà Vẽ xuất viện về nhà, đồng chí Dũng cũng thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ bà.

“Tôi có nhiều bệnh lý nền nên đơn thuốc rất nhiều, toàn là thuốc đặc trị nên các tiệm thuốc tây rất ít bán, với lại bản thân tôi đang bệnh nên cũng không thể đi mua được. Thế là cậu Dũng lục lọi khắp nơi tìm mua giúp tôi. Đêm khuya trời mưa to gió lớn, cậu Dũng quần áo ướt sũng, đem đến cho tôi một túi thuốc làm tôi cảm động vô cùng. Đến giờ, tôi vẫn còn nợ tiền thuốc cậu ấy”. Bà Vẽ xúc động.

Nếu không có anh cảnh sát khu vực, có lẽ tôi đã không qua khỏi ảnh 2 Trung uý Phạm Tiến Dũng đến thăm hỏi bà Vẽ. Ảnh: BẢO TRÂN 

Nói về số tiền mua thuốc dùm bà Vẽ, anh Dũng cười hiền: “Chuyện đó không có gì to tát cả. Cô Vẽ cũng bằng tuổi của bà tôi ở nhà. Thấy cô có một mình nên tôi cũng thương, giúp đỡ cô. Đây cũng là việc nên làm thôi”.

Được biết, bà Vẽ chuyển về thành phố Thủ Đức sinh sống từ đầu năm 2021 đến nay. Trước đây, bà sống với người con gái nhưng hai tháng nay, con bà đi làm xa nên bà ở nhà một mình. 

Trung úy Phạm Tiến Dũng là CSKV Khu phố 4, phường Tân Phú, trong lúc xuống địa bàn nắm tình hình thì biết được hoàn cảnh của bà Vẽ nên thường xuyên đến thăm hỏi. Theo Công an TP Thủ Đức, trung úy Dũng là một CSKV rất có trách nhiệm. Từ khi nhận công tác tại Khu phố 4 vào 9-2020 đến nay, luôn bám sát địa bàn, tìm hiểu về hoàn cảnh của các hộ dân khu vực mình phụ trách.

Tin cùng chuyên mục