Theo Hiệp hội, gần đây trên thị trường một số đơn vị bắt đầu có dấu hiệu găm hàng, tăng giá đường lên quá cao. Đồng thời, mới đây ngành thực phẩm có công văn kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Đường bán trong hệ thống siêu thị |
Trước đó, Hiệp hội đã báo cáo Bộ NN-PTNT thông tin về tình hình cung cầu đường năm 2023, dự báo 2024 và tham gia đề xuất ý kiến giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2023. Vào niên vụ 2022-2023, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương các nước trong khu vực, trong khi vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường lân cận, bao gồm Philippine, Indonesia và Trung Quốc.
Tham gia ý kiến nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 với sản lượng tối thiểu 119.000 tấn, Hiệp hội kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hóa hình thức đấu giá, bảo đảm kết quả đấu giá phân giao phù hợp các yêu cầu của Luật Cạnh tranh và Luật Đấu thầu.
Sau khi thực hiện khối lượng đấu giá hạn ngạch thuế quan khối lượng 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá đường tăng do thiếu nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng tăng giá khiến giá đường vượt qua mức giá hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp, Hiệp hội báo cáo Bộ NN-PTNT và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023.