Bộ đang soạn thảo, sửa đổi thông tư
Ngày 31-10, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, các vấn đề khúc mắc trong dự án hầm đường bộ qua đèo Cả đang được nỗ lực giải quyết, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật và quy định tại hợp đồng BOT.
Hiện Bộ GTVT đã giao các cơ quan liên quan khẩn trương soạn thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT về mức phí đường bộ, dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 11-2018. Sau khi thông tư mới được ban hành, mức phí tại trạm Bắc Hải Vân sẽ cao hơn các trạm khác trên QL1A do thu phí hoàn vốn 2 dự án và do suất đầu tư xây dựng hầm đèo Cả lớn hơn hầm đường bộ. Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định sẽ không đánh đổi tất cả vì phương án tài chính mà sẽ đưa ra mức phí phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người dân và doanh nghiệp.
Về việc không sử dụng trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm đèo Cả, Bộ GTVT cho biết đã kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn Nhà nước để hỗ trợ dự án. Hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Về phương án tài chính để hoàn vốn bù vào 2 khoản mà Công ty BOT Đèo Cả đã ứng, gồm 900 tỷ đồng để sửa chữa, mở rộng hầm đèo Hải Vân giai đoạn 1; 300 tỷ đồng để chi vận hành hầm Hải Vân 1 từ năm 2016 đến nay và 1.200 tỷ đồng phần vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư của dự án. Bộ GTVT cho biết, những khoản trên đều đã được tính trong phương án tài chính, ngay sau khi Thông tư 35 mới ban hành, trạm Bắc Hải Vân được áp dụng mức phí mới. Sau khi kết thúc hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng, trạm Bắc Hải Vân sẽ sử dụng để hoàn vốn cho dự án hầm đường bộ qua đèo Cả.
Cũng trong ngày 31-10, trả lời chất vấn việc một số dự án BOT đã hoàn thành, nghiệm thu nhưng Bộ GTVT chưa cho phép thu phí hoàn vốn hoặc chỉ cho thu một phần, không đúng với cam kết của hợp đồng đã ký, trong đó có dự án hầm đèo Cả, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nhận trách nhiệm với nhà đầu tư, với xã hội khi để xảy ra các vấn đề ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp và gây bức xúc cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã đề xuất giải pháp phù hợp quy định của pháp luật để báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, những đề xuất của bộ liên quan đến tài chính và tình hình tài chính quốc gia, do đó Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu thật kỹ. Hiện Bộ GTVT đang xem xét từng trường hợp cụ thể, trong đó có dự án BOT đèo Cả và một số dự án khác để có giải pháp hợp lý.
Trách nhiệm thuộc Bộ GTVT?
Trong khi đó, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng đưa ra cảnh báo về khả năng đóng cửa hầm do cắt điện, người lao động đình công và đề nghị chính quyền hỗ trợ công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến đường đèo Hải Vân.
Công văn cho biết, theo cam kết của Bộ GTVT, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả sẽ được thu phí tại trạm thu phí Nam Hải Vân từ ngày 1-1-2017 để hoàn vốn cho kinh phí ứng trước (từ tháng 11-2015 đến tháng 1-2017) và đảm bảo nguồn duy trì công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và đường đèo Hải Vân các năm tiếp theo. Tuy nhiên đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa cho phép thực hiện việc thu phí tại đây nên đã gây khó khăn cho hoạt động của công ty, tác động tiêu cực đến nguồn kinh phí duy trì vận hành đối với hầm Hải Vân 1. Do đó, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả phát công văn đề nghị UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ công ty, có ý kiến đối với Bộ GTVT về bố trí vốn đảm bảo kinh phí, để duy trì liên tục công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1A qua đèo Hải Vân.
Không chỉ vậy, trong văn bản gửi 2 địa phương nơi có hầm Hải Vân đi qua, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cảnh báo: “Trong trường hợp vì các lý do khách quan như bị điện lực cắt điện, người lao động đình công… làm gián đoạn việc thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân, dẫn đến mất an toàn giao thông, thì đề nghị UBND TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp và hỗ trợ công ty điều tiết giao thông”.
Trước khi có công văn gửi TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cũng đã có công văn gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đề nghị bố trí kinh phí đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân.
Văn bản này cũng đưa ra lời “cảnh báo” nếu không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành đình công, nhà thầu dừng thực hiện công tác quản lý vận hành… dẫn đến gián đoạn và không đảm bảo an toàn của việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5-11-2018 trở đi, Bộ GTVT phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.