Đau đáu với sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ trẻ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã dành cho thanh niên những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt sâu sắc.
Năm nay là tròn 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân và thế hệ trẻ những điều hệ trọng, những việc cần phải làm vì sự nghiệp cách mạng: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng. Người không chỉ quan tâm đến lực lượng đang gánh vác công việc mà còn chăm lo đội ngũ kế cận. Người cũng luôn khẳng định thế hệ trẻ là lớp người kế tục và là tương lai, là tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyên nhủ thanh thiếu niên phải ra sức học tập, rèn luyện để tham gia kháng chiến, kiến quốc, gìn giữ hòa bình, xây dựng đất nước giàu mạnh.
Trong “Thư gửi thanh niên” vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Thanh niên muốn làm người chủ tương lai xứng đáng thì ngay từ bây giờ phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc tích cực để chuẩn bị cho tương lai.
Có thể thấy, từ khi viết tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) đến khi viết bản Di chúc (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Có lẽ vì vậy mà Người luôn yêu cầu cán bộ của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng phải thực sự quan tâm, chăm lo đến thanh thiếu niên; dành mọi ưu tiên và những gì là tốt đẹp nhất, có thể làm được để chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh thiếu niên, coi đó là “cái vốn quý nhất” của cách mạng.
Mạnh dạn giao việc để người trẻ gánh vác
Lý tưởng và khát vọng của thanh niên ở các thời kỳ là khác nhau. Đối với lớp thế hệ cha anh, khát vọng lớn nhất là giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Họ đã làm tròn.
Hiện nay, khát vọng của bao lớp thanh niên là “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Đó là khát vọng vươn lên tiếp cận những giá trị tri thức của nhân loại, khát vọng không chịu đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu chính đáng; khát vọng “ra biển lớn”…
Nguyên nhân “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” đã được mổ xẻ rất nhiều. Trong đó, nhiều người trẻ thống nhất là tình trạng khô cứng trong sinh hoạt Đoàn; tình trạng một bộ phận cán bộ, nhất là những người giữ các chức vụ cao tham ô, tham nhũng, sa ngã và vào tù. Những người trẻ bao giờ cũng nhìn những người đi trước. Họ xem đó là tấm gương để noi theo và phấn đấu. Điều này đã được chứng thực rất rõ: nhiều người cộng sản năm xưa nói rằng lúc ban đầu họ đi theo cách mạng, theo Đảng nhưng chưa hiểu về Đảng, về cách mạng. Song, họ chứng kiến những con người xưng là cộng sản, là người của Đảng sống đẹp và chết hiên ngang vì Tổ quốc và dân tộc, nên tin và đi theo.
Hiện nay, dù muốn hay không cũng phải thấy rằng, những biểu hiện tiêu cực ở một bộ phận thanh niên nêu trên là nguy cơ đe dọa tương lai của họ, làm cản trở sự phát triển theo hướng lành mạnh, tiến bộ và văn minh của đất nước. Các thế lực thù địch cũng khai thác và lợi dụng các biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận người trẻ để chống phá.
Bởi vậy, hơn bao giờ hết, các cấp ủy Đảng cần thấm nhuần và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên. Cần tiếp tục quan tâm chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp, giải quyết việc làm, phát triển tài năng - sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích… của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, mạnh dạn giao những trọng trách để những người trẻ gánh vác… Đó chính là cách chúng ta thực hiện tốt nhất tư tưởng và những chỉ dạy của Bác Hồ.
Việt Nam từng có rất nhiều bộ trưởng trẻ tuổi Hiện nay, có những ý kiến cho rằng ở Malaysia có thủ tướng rất già và có một bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử nước này (ông Syed Saddiq Abdul Rahman làm Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao khi 26 tuổi) và ao ước điều này ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời Bác Hồ, nước ta không chỉ có một mà có rất nhiều bộ trưởng trẻ tuổi. Cụ thể, trong Chính phủ Lâm thời 1945 có Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp (34 tuổi), Bộ trưởng Quốc phòng Chu Văn Tấn (32 tuổi), Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền (29 tuổi), Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà (32 tuổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch (36 tuổi), đặc biệt, Ủy viên Chính phủ Cù Huy Cận chỉ 26 tuổi. Trong Chính phủ do quốc dân bầu ra sau ngày bầu cử Quốc hội khóa 1 (6-1-1946) cũng có những người rất già như cụ Huỳnh Thúc Kháng (70 tuổi), nhưng có nhiều người trẻ. Các bộ trưởng trẻ tuổi như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh (34 tuổi), Bộ trưởng Bộ Canh nông Huỳnh Thiện Lộc (36 tuổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe (34 tuổi). Có nhiều ví dụ khác để thấy rằng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận luôn song hành với thực tiễn, trong đó có tư tưởng về bồi dưỡng thế hệ trẻ. |