Nếu đồng thuận cao, ngày 30-11, Quốc hội “bấm nút” về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự kiến, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào sáng 13-11; chiều 13-11, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ và thảo luận hội trường ngày 20-11. Nếu Quốc hội đồng thuận cao thì biểu quyết thông qua vào ngày 30-11, trước khi bế mạc kỳ họp.

Tại cuộc họp báo về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Chính phủ đã có Tờ trình số 685/TTr - CP ngày 19-10-2024 kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

ĐỊNH 2.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Ảnh: QUANG PHÚC

“Việc này Chính phủ mới có tờ trình, nhưng thực ra vấn đề đã được thảo luận kỹ tại Hội nghị Trung ương vừa qua và Trung ương đã có chỉ đạo đưa ra Quốc hội để Quốc hội xem xét cho chủ trương. Lần này, Quốc hội mới chỉ quyết định chủ trương. Nghĩa là bây giờ có làm hay không làm, làm trong bao nhiêu năm, phương pháp, công nghệ, tốc độ, nguồn lực ở đâu? Còn chi tiết thì còn nhiều khâu. Sau này, sau khi có chủ trương, Chính phủ mới làm dự án chi tiết, tiền khả thi, khả thi, đánh giá tác động nhiều mặt. Về thời gian, Chính phủ trình Quốc hội sáng 13-11; chiều 13-11, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ và thảo luận ở hội trường ngày 20-11. Nếu Quốc hội đồng thuận cao thì biểu quyết thông qua vào ngày 30-11, trước khi bế mạc kỳ họp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết.

QC HỌP BÁO.jpeg
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Tờ trình số 685/TTr– CP, dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; vận chuyển hành khách, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TPHCM (ga Thủ Thiêm) với tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, được đầu tư bằng hình thức đầu tư công.

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655ha (trong đó đất lúa nước từ 2 vụ trở lên là 3.102ha); đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605ha. Số dân tái định cư khoảng 120.836 người.

Cũng tại tờ trình nêu trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD), trong đó ước tính các hạng mục chi phí bao gồm: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 150.148 tỷ đồng (khoảng 5,9 tỷ USD); chi phí xây dựng là 846.014 tỷ đồng (khoảng 33,25 tỷ USD); chi phí thiết bị là 280.771 tỷ đồng (khoảng 11,03 tỷ USD); chi phí quản lý dự án là 20.282 tỷ đồng (khoảng 0,8 tỷ USD); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là 91.946 tỷ đồng (khoảng 3,61 tỷ USD)...

Chính phủ cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến đầu tư công trình tuyến khoảng 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất, nên suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km.

Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024. Tổng mức đầu tư được tính theo quy định của pháp luật về xây dựng và các điều kiện kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện nay.

Do dự án thực hiện trong thời gian dài (khoảng trên 10 năm), nên tổng mức đầu tư có thể biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan (thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác) hoặc yếu tố chủ quan (thay đổi quy hoạch, chính sách, chỉ số giá tiêu dùng, triển khai giải phóng mặt bằng chậm, nguồn vốn bố trí không đáp ứng...).

Tin cùng chuyên mục