Tán thành sự cần thiết xây dựng sân bay Long Thành để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu vẫn là kết cấu hạ tầng hệ thống sân bay.
Hiện nay, các sân bay đều là sân bay lưỡng dụng, phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội và cả quốc phòng an ninh. Trên quan điểm nhà đầu tư cho sân bay Long Thành cũng phải đáp ứng được yêu cầu và các mục tiêu quan trọng này, ĐB Đỗ Văn Sinh đồng tình lựa chọn các nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực để huy động vốn, đủ năng lực để quản lý khai thác, vận hành có hiệu quả về kinh tế và đáp ứng về an ninh quốc phòng.
“Xét về hệ thống đầu tư, quản lý sân bay trong nước hiện nay thì ACV đang quản lý toàn diện 21 sân bay. Cả nước có duy nhất sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư. Tuy nhiên, mọi hoạt động để phục vụ sân bay này vẫn có sự hỗ trợ tích cực của ACV và ACV cũng là nhà quản lý vận hành. Bên cạnh việc phát triển hệ thống kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội thì phải đáp ứng được yêu cầu về quốc phòng và an ninh. Do đó, hiện nay ACV dường như là doanh nghiệp (DN) duy nhất có thể tổ chức vận hành cảng hàng không ở Việt Nam”, ĐB Đỗ Văn Sinh phân tích.
Theo ĐB Đỗ Văn Sinh, vấn đề chỉ định nhà đầu tư được quy định rất rõ ở khoản 4 Điều 22 trong Luật Đấu thầu. Về việc này, luật cũng quy định thẩm quyền do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quyết định. Những gì Luật chưa quy định thì mới phải xin ý kiến và thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những gì đã có trong Luật thì cứ theo Luật để triển khai.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng nêu quan điểm: “Tôi thấy cần phải làm rõ 4 hạng mục các công trình dịch vụ phụ trợ giao ACV đầu tư hoặc xã hội hóa đầu tư”.
Theo ĐB Nguyễn Công Hồng, việc giải phóng mặt bằng là nhà nước đứng ra bồi thường và thu hồi hay giao cho ACV thực hiện cũng cần làm rõ vì 2 cách triển khai này sẽ dẫn đến 2 cơ chế vận hành khác nhau.