* PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá thế nào về công tác cán bộ nhiệm kỳ qua?
- Ông VŨ TRỌNG KIM: Công tác cán bộ trong nhiệm kỳ vừa qua thực sự đổi mới mạnh mẽ. Đây cũng là điều rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, đặc biệt là thực hiện chức năng nhiệm vụ của mỗi cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên có chức vụ quyền hạn.
Thứ nhất, chúng ta đã chú ý trước hết ở vấn đề giám sát, sau đó là kiểm tra, đặc biệt nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực về chính trị, tư tưởng của cán bộ đảng viên, để từ đó có khả năng thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trước. Như vậy, đã đồng bộ từ nâng cao tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đến theo dõi, giám sát, kiểm tra, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Đó là điều rất cơ bản của công tác cán bộ theo tiêu chuẩn, chức danh.
Thứ hai, vấn đề quy hoạch, chúng ta đã đặt quy hoạch đi đôi với công tác đánh giá cán bộ. Cán bộ tương xứng vào việc gì thì quy hoạch vào việc đó. Chúng ta đưa chất lượng cán bộ đi vào chuyên môn hóa, đưa cán bộ trải nghiệm những vị trí từ thấp lên cao để tránh cán bộ khi vào việc bỡ ngỡ, phải học tập, phải có quá trình.
Thứ ba, đã mạnh dạn đề bạt và thay thế cán bộ. Đó là đổi mới rất tích cực, chứ không để lâu như những khóa trước. Nếu không bảo đảm nhiệm vụ, có vi phạm, khuyết điểm đều nhanh chóng được xem xét, thay thế. Công tác cán bộ trong nhiệm kỳ qua đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban xây dựng đảng, tổ chức, kiểm tra, giám sát, kể cả công tác tư tưởng chính trị. Đã có sự phối hợp công tác cán bộ từ cấp trên đến cấp dưới, theo hệ thống, nên đã bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ tốt hơn trước.
* Ông nhìn nhận ra sao về nhiệm kỳ qua, dù công tác chuẩn bị, quy hoạch, đào tạo cán bộ được làm bài bản, nhưng chúng ta vẫn có quá nhiều cán bộ, trong đó có không ít cán bộ cấp cao bị xử lý?
- Nếu nói về một số vấn đề đổi mới công tác nhân sự như vừa qua thì chúng ta phải nhìn nhận 2 mặt, tích cực và tiêu cực. Tích cực thì nhiệm kỳ qua, chúng ta hoàn thành khá xuất sắc nhiều mục tiêu quan trọng, kể cả xây dựng Đảng đến kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, văn hóa xã hội, phòng chống các loại tiêu cực. Chúng ta đã giữ thế chủ động và đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có tầm nhìn chiến lược, có thể đảm đương các trọng trách trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, phức tạp. Tôi cho rằng, đó kết quả của việc đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra, giám sát, “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”, công tác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ.
Về mặt tiêu cực trong công tác cán bộ nhiệm kỳ qua, tôi cho rằng đa phần những người bị xem xét, giải quyết trong nhiệm kỳ qua là ở các nhiệm kỳ trước, việc xử lý cán bộ chúng ta làm chậm. Cũng có những trường hợp cán bộ vi phạm ngay trong nhiệm kỳ qua, tôi cho là do chưa được thử thách, coi thường việc tu dưỡng, rèn luyện, khi có vị trí rồi sẽ thấy có nhiều quyền hạn, cùng với việc không bị giám sát chặt chẽ.
Nói cách khác, do lỗ hổng về thể chế quản lý của chúng ta. Phải bịt hết các kẽ hở để không thể tham nhũng. Nhiều vụ việc xảy ra cho thấy do cơ chế giám sát cán bộ còn lỏng lẻo, khi thấy còn kẽ hở người ta sẽ tung hoành, nếu cơ chế chặt chẽ họ không thể làm gì được. Chúng ta phải giám sát, kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn, ở đây chính là kiểm soát chức năng, nhiệm vụ được giao và không được giao để xem họ đã làm gì, làm tốt không?
* Vậy theo ông, nhân sự Đại hội Đảng XIII tới đây sẽ như thế nào?
- Có 3 diện cán bộ. Thứ nhất, cán bộ địa phương coi như đã ổn, đã bầu bí thư tỉnh ủy, thành ủy rồi thì đương nhiên với các vị đó sẽ lựa chọn tham gia Ban chấp hành Trung ương. Thứ hai, cán bộ các bộ, ngành cơ bản đã chuẩn bị, quy hoạch kỹ. Diện thứ 3 liên quan đến chức danh của các cơ quan đầu não, liên quan đến việc bố trí nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các vị trí này hiện chúng ta mới đưa ra giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tìm vị trí cho các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang diễn ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là những người xem xét kỹ, chịu trách nhiệm để giới thiệu nhân sự trước Đại hội XIII. Đó là phẩm chất, năng lực, trách nhiệm cao của ban chấp hành cũ.
* Chúng ta đã từng đề cập về việc cơ chế kiểm soát quyền lực toàn diện, đủ mạnh. Cần phải làm gì để có được một đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự vì dân, vì nước?
- Việc giám sát quyền lực là một nội hàm rất rộng, liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề, các cấp. Hiện nay, trong nhiều quy định của Đảng, nhiều luật của Nhà nước đã đề cập đến vấn đề này. Điển hình là Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền do Bộ Chính trị ban hành vào tháng 9-2019. Tuy nhiên một đề án, hay quy định tổng thể thì chưa có.
Theo tôi, quan trọng nhất hiện nay là cán bộ, đảng viên, nhất là những người có vị trí lãnh đạo cần phải biết và am hiểu pháp luật trong quá trình làm việc, công tác. Khi am hiểu pháp luật, chắc chắn anh sẽ điều hành công việc rất tốt, tôn trọng pháp luật, không dám vi phạm, từ đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Một vấn đề khác, theo tôi là cần tiếp tục phát huy những tinh thần và giá trị của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với việc nhận diện 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây chính là cơ sở để chúng ta làm tốt công tác cán bộ nhiệm kỳ qua, cũng như để nhận diện, đấu tranh và loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, không còn phù hợp với Đảng và Nhà nước chúng ta. Tất cả biểu hiện đã được nêu rõ, nếu ai có mà không khắc phục, sửa chữa thì phải đấu tranh.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập, sự nêu gương và đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo hết sức quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải “thức tỉnh” trong vấn đề này. Một người đạo đức, có lòng tự trọng sẽ luôn nghĩ về hệ quả những việc mình làm.
* Xin cảm ơn ông!