Khi nghề giáo trở thành cái nghiệp
Có mặt tại lớp 4/3 Trường Tiểu học Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) vào sáng 18-1, tiết học môn Toán với chủ đề “Quy đồng mẫu số các phân số” của thầy Vương Mộng Long trở nên thật đặc biệt với cách khởi động bài giảng.
Em Dương Phạm Phương Uyên, học sinh lớp 4/3, cho biết: “Mỗi khi bắt đầu tiết học, thầy Long đều dành 5 phút đầu giờ cho tụi em hát hò, kể chuyện, nên không khí lớp lúc nào cũng vui tươi. Nhìn bên ngoài thầy có vẻ nghiêm khắc nhưng thật ra rất vui tính, quan tâm đến từng bạn trong lớp. Kể cả những lúc học trò không thuộc bài, thầy cũng dùng những lời hóm hỉnh để nhắc nhở tụi em”.
Thầy Vương Mộng Long cùng các học trò
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Long cho biết, năm 1991, sau khi tốt nghiệp lớp 12, cái duyên sư phạm đến với chàng trai trẻ thật tình cờ khi huyện Cần Giờ cần tuyển số lượng lớn giáo viên công tác tại các xã đảo như Lý Nhơn, Thạnh An. “Địa phương cần nên tôi góp sức. Dù khi đó kinh nghiệm sống chưa nhiều, chỉ qua một tháng đào tạo cấp tốc, tôi đã được phân công về làm giáo viên tại Trường Tiểu học Thạnh An (xã Thạnh An) - một trong những xã đảo xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn nhất của huyện Cần Giờ”.
Những ngày tháng sau đó là khoảng thời gian thầy giáo trẻ vừa dạy học vừa trau dồi thêm kiến thức, tự động viên mình vượt qua những trở ngại, khó khăn của hoàn cảnh sống. Học trò nghèo, thầy giáo cũng nghèo. Tình thầy trò khi đó là những buổi trưa cùng nhau lên rẫy, trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn.
“13 năm công tác ở xã đảo đã giúp tôi hiểu hơn về sự thiếu thốn vật chất của học sinh. Vì vậy, tôi đã dùng chính sức trẻ của mình để gần gũi, chia ngọt sẻ bùi đưa các em vượt qua khó khăn, vất vả”, thầy Long nhớ lại.
Sau khi học bổ túc bằng Cử nhân Sư phạm, thầy Vương Mộng Long được chuyển công tác về Trường Tiểu học Cần Thạnh (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ). Thầy kể, vào đúng ngày sinh nhật đầu tiên ở trường học mới, học sinh đã cho thầy một bất ngờ.
“Chiều hôm đó, sau tiếng trống vào lớp, tôi phát hiện phòng học của lớp mình vẫn tắt đèn, đóng cửa. Tôi gọi mãi không thấy ai trả lời nên dùng tay đẩy mạnh cửa lớp. Không ngờ khi cửa vừa mở, tất cả học sinh đứng thành hàng ngang đồng thanh hát bài chúc mừng sinh nhật tôi bằng tiếng Anh. Đó là năm đầu tiên các em được học tiếng Anh, phát âm còn sai nhiều lắm…”.
Nói đến đây, thầy quay mặt đi vì xúc động. Người đàn ông hơn 30 tuổi, nhưng đó là lần đầu tiên trong đời được tổ chức sinh nhật. Thầy Long bày tỏ: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn làm thầy giáo. Mỗi ngày lên lớp tôi lại thấy yêu công việc của mình hơn. Tình cảm yêu trường mến lớp, sự gắn bó với học sinh như đã trở thành máu thịt trong tôi”.
Người mẹ của những học trò thiếu thốn
Khác với thầy Long, cô giáo Nguyễn Thị Đỉnh, giáo viên Trường THCS An Thới Đông (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ), đến với nghề giáo vì quá cảm mến những người thầy, cô từng dạy dỗ mình.
Cô Đỉnh chia sẻ: “Năm tôi học cấp 2, hầu hết các thầy, cô giáo dạy tôi đều là người ở các quận trung tâm TPHCM về nhận công tác ở huyện Cần Giờ. Dù phải sống xa nhà, trong điều kiện vật chất thiếu trước, hụt sau, nhưng các thầy, cô vẫn miệt mài cống hiến, hết lòng với những đứa học trò nửa buổi lên lớp, nửa buổi theo ba mẹ ra đồng bươn chải đủ nghề kiếm sống”.
Cô Nguyễn Thị Đỉnh trên bục giảng
Chính tình cảm cao quý đó đã trở thành động lực giúp cô sinh viên trẻ viết tiếp ước mơ theo nghề giáo. 23 năm cần mẫn với nghiệp đưa đò, cô Đỉnh đã dùng chính tiền lương ít ỏi của mình để giúp đỡ, vận động hàng chục trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến lớp. Để rồi mỗi khi nhìn thấy sự trưởng thành, thành đạt của các em, trái tim “người mẹ” lại nghẹn ngào hạnh phúc.
Cô tâm sự thường được phân công chủ nhiệm lớp 9, năm học cuối cấp trước khi các em chuyển lên bậc trung học phổ thông, nên đón nhận rất nhiều tình cảm của học trò. Những tin nhắn như “Cô ơi, con thương cô nhất. Sau này, cô đừng quên con nha cô” hay “Khoảng thời gian được học với cô là vui nhất. Con sẽ không bao giờ quên cô” trở thành động lực giúp cô giáo vượt qua mọi khó khăn, vất vả trong nghề.
Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Đỉnh, nhiều đồng nghiệp ở Trường THCS An Thới Đông nói rằng cô là tấm gương sáng về sự hy sinh, tận tụy. Ngoài giờ lên lớp, cô luôn hoàn thành tốt vai trò người vợ, người mẹ, con dâu út cáng đáng mọi việc trong gia đình. Nói về danh hiệu Nhà giáo ưu tú vừa đạt được, cô Đỉnh cho biết rất vui và tự hào, vinh dự này có được từ nỗ lực của bản thân và sự ủng hộ không nhỏ từ gia đình, đồng nghiệp và đặc biệt là những học trò thân thương. “Không có học trò sẽ không có tôi ở hiện tại. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người bạn nhỏ đồng hành của mình, cảm ơn các em đã cho cô niềm hạnh phúc quá lớn”, cô Đỉnh chia sẻ.
Danh hiệu Nhà giáo ưu tú là danh hiệu cao quý được xét tặng 3 năm/lần đối với ngành giáo dục. Danh hiệu được trao cho những nhà giáo đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho ngành, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, đi đầu trong đổi mới dạy học, có ít nhất 7 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, thời gian trực tiếp giảng dạy từ 15 năm trở lên…