Già làng cách mạng quê Gò Vấp
Ngay khi đến Lộc Ninh, chúng tôi có dịp được trò chuyện với chú Năm Hồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện. Năm nay bước sang tuổi 85 và 55 năm tuổi Đảng nhưng trí óc chú Năm còn khá minh mẫn. Chú quê ở xã Bình Hưng Hòa (nay thuộc quận Bình Tân, TPHCM), vào cuối thập niên 1950 đi mở đường Trường Sơn (đoạn thuộc các huyện Bù Đốp, thị xã Phước Long); đến tháng 11-1961, được phân công về Lộc Ninh làm Trưởng ban Dân vận huyện ủy cho đến ngày Lộc Ninh được giải phóng.
Chú Năm nhớ lại: “Tui bị 9 vết thương trong chiến dịch đánh Lộc Ninh, lúc đó được Bí thư Huyện ủy phân công đi cùng Đại đội 31 - lực lượng vũ trang của huyện. Kế hoạch sáng nổ súng thì ngay tối hôm trước bị lộ khi áp sát hàng rào đồn Ngô Lơ (giờ thuộc xã Lộc Khánh) và bị đạn pháo dập tới tấp”. Chú Năm dính đạn, bị thương nhiều nơi ở tay, chân, được đồng đội dìu về đội phẫu thuật gắp các mảnh đạn ra, xong đưa về căn cứ miền điều trị tiếp và 3 tháng sau thì ra viện, tiếp tục được phân công về làm Trưởng ban Dân vận Huyện ủy. Lúc ấy Lộc Ninh đã giải phóng được 3 tháng.
Ấn tượng Lộc Thuận
Chúng tôi về Lộc Thuận, xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới cách trung tâm huyện gần 20km. Chiếc xe len lỏi giữa những vườn cao su bạt ngàn và qua nhiều con dốc ngoằn ngoèo, trong đó có dốc Làng Hai - nơi luôn đi đầu trong phong trào đấu tranh của công nhân chống lại biện pháp cưỡng bức của giới chủ Pháp đầu thế kỷ 20.
Xe vẫn bon bon giữa những cánh rừng cao su, anh Hoàng Nhật Tân nói vui: “Chúng tôi trước đây không nghĩ người dân sắm được ô tô nên làm đường bê tông chỉ 3-3,5m, giờ thấy lạc hậu. Từ năm 2019, huyện bắt đầu tiếp nhận quản lý đường do các công ty cao su bàn giao với chiều dài khoảng 60km, gồm đường mới lẫn nâng cấp và hiện đã tiếp nhận quản lý - duy trì hơn 30km”.
Toàn xã Lộc Thuận có hơn 2.000 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu, trong đó có 198 hộ đồng bào dân tộc Khmer, S’tiêng. Sau 9 năm thực hiện, năm 2019 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hoàng Thế Nam hồ hởi: “Đến nay, 95% đường giao thông liên xã, trục chính được nhựa hóa, bê tông hóa, trong đó người dân đóng góp ngày công làm đường trị giá khoảng 21 tỷ đồng để làm 21km đường. Hệ thống trường lớp và nhà văn hóa thôn được đầu tư khang trang, trường THCS xây dựng năm 2019 với 10 phòng học và 4 phòng chức năng. Xã giải quyết đất ở, đất sản xuất cho 33 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vận động hỗ trợ xóa nhà tạm và đến nay toàn xã chỉ còn 3 hộ nghèo do già yếu, bệnh tật”…
Viết tiếp trang sử mới
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đánh giá: “50 năm qua, dù trải qua nhiều gian nan, thử thách nhưng Đảng bộ, quân và dân Lộc Ninh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, viết tiếp những trang sử mới đáng tự hào. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 70 triệu đồng/người/năm; 12/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 11 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% trạm y tế có bác sĩ… Nhờ đó đã tạo nên diện mạo mới đầy ấn tượng cho một huyện biên giới miền núi của Bình Phước”.
Đồng chí Trần Tuệ Hiền chia sẻ, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tiếp tục đầu tư cho Lộc Ninh để huyện ngày càng phát triển. Huyện cần tập trung giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh nói chung và huyện nói riêng. Tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối như: tuyến đường sắt xuyên Á, tuyến đường phía Tây Lộc Ninh kết nối với đường cao tốc TPHCM - Bình Dương - Chơn Thành. Lãnh đạo huyện phải có giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa nhằm thu hút du khách, khai thác lợi thế các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Đồng thời xác định việc tăng cường, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển là nhiệm vụ trọng yếu, xuyên suốt.