Trao nhau món quà tinh thần ý nghĩa
Trong một chương trình diễn ra tại Đường sách TPHCM do NXB Trẻ tổ chức mới đây, nhà văn Lê Văn Nghĩa cho biết, nhiều năm trước ở TP, sạp báo có mặt ở rất nhiều góc phố. Điều đặc biệt là trước đây, báo xuân không chỉ bán cho người đọc mà còn bán cho cả những người đi mua về biếu, tặng. Tặng báo xuân chính là nét văn hóa đọc của ngày trước, thay vì tặng sách tết như bây giờ.
Thậm chí, người ta còn mua báo xuân đặt trong nhà, để khách đến chơi nhà đọc. Cùng với báo xuân, người ta còn mua băng đĩa nhạc và tờ nhạc có những bài nhạc xuân hay những bài liên quan đến mùa xuân để tặng cho nhau.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa cho rằng, việc tặng sách trong ngày tết thời gian gần đây là phong trào, thực ra gọi là bắt đầu cũng đúng, nhưng nó cũng là sự phục hưng trở lại. “Hiện giờ, chúng ta vẫn thường tặng nhau giỏ quà với bánh trái, rượu trà; bây giờ có thêm sách hoặc những combo sách thì đó là chúng ta đã tặng nhau một nét đẹp văn hóa, một món quà mang ý nghĩa tinh thần. Trước đây có tặng nhau báo xuân nay tặng sách, tôi nghĩ chúng ta cần cổ xúy cho phong trào này”, nhà văn Lê Văn Nghĩa bày tỏ.
GS Phan Văn Trường là chuyên gia đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông cũng là tác giả của bộ sách Kết tinh một đời do NXB Trẻ ấn hành, với các đầu sách được tái bản nhiều lần như: Một đời quản trị, Một đời thương thuyết và Một đời như kẻ tìm đường. Từ trải nghiệm cá nhân, GS Phan Văn Trường cho rằng, Việt Nam là một đất nước tri thức và hiếu học. Điều này chứng tỏ, chúng ta có một phong trào đọc sách, lĩnh hội kiến thức nhưng vẫn chưa đầy đủ mà cần phải phát huy tiếp.
“Sách là món quà tri thức chứa đựng rất nhiều tình cảm trong đó. Cuốn sách chuyển tải rất nhiều thứ, không đơn thuần chỉ là một món quà. Chúng ta cần khuyến khích việc tạo ra những sản phẩm không chỉ tốt mà còn có thể trở thành những món quà”, GS Phan Văn Trường bày tỏ. Theo GS Phan Văn Trường, một việc mà những người yêu thích, quan tâm đến sách có thể làm ngay từ bây giờ, đó là trở thành đại sứ của một phong trào mới: tặng nhau cuốn sách, nhất là trong dịp tết.
Ông chia sẻ: “Chúng ta hãy khuyến khích nhau, khuyến khích bạn bè người thân xung quanh chúng ta yêu sách, xem sách như một bằng chứng về một đất nước tri thức. Và chúng ta hãy là những con người truyền tải cho nhau những tâm tình qua văn hóa, qua những cuốn sách”.
Những sắc màu sách tết
Tặng sách ngày tết là một nét văn hóa đẹp. Vậy, tết này nên làm quà cho nhau bằng sách gì? Ra mắt vào những ngày giáp tết là tập tản văn Về quê ăn tết (NXB Tổng hợp) của tác giả Dương Hoàng Lộc. Cuốn sách giống như một lối nhỏ đưa người đọc tìm về hồn quê với những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ; đồng thời lại giống như lời nhắn nhủ: phải biết trân quý, gìn giữ hồn quê và phải có trách nhiệm tạo ra những ký ức tốt đẹp của những mùa tết quê tươi đẹp trong tâm hồn thế hệ sau nữa.
Tác giả có cơ hội được đi nhiều nơi, được trải nghiệm không khí đón tết ở nhiều miền quê Nam bộ. Nhờ vậy, tác giả nhận ra văn hóa tết mỗi nơi có sắc thái riêng, bức tranh tết Nam bộ dần hiện rõ bằng nhiều gam màu tươi tắn đan xen, giúp tạo nên tính đa dạng với các không gian tết quê ở vùng đất phương Nam.
Cuốn sách Hoài niệm mứt tết (NXB Phụ Nữ) của hai tác giả Nguyễn Thị Phiên và Đỗ Thị Phương Nhi, giới thiệu đến độc giả cách thực hiện những món mứt truyền thống cho ngày tết của gia đình Việt Nam. Điều đặc biệt, hai tác giả Nguyễn Thị Phiên và Đỗ Thị Phương Nhi chính là mẹ con.
Vì vậy, Hoài niệm mứt tết không đơn giản chỉ là một cuốn sách hướng dẫn cách làm mứt, mà đó là “sợi dây” nối giữ truyền thống văn hóa Việt như lời bộc bạch của tác giả Nguyễn Thị Phiên: “Không khí tết đến cùng cảnh làm mứt vui vẻ, hạnh phúc đong đầy của mỗi gia đình, in sâu và ẩn hiện mãi trong tâm trí tôi. Bởi vậy, tôi mong muốn mọi người nên dành vài ngày để làm mứt tết, nơi đó sẽ cho con em chúng ta có ký ức đẹp về tình thương, đầm ấm, nồng nàn của gia đình, mà thời buổi công nghệ thông tin làm mờ nhạt tình thân thương, thiêng liêng ấy”.
Còn NXB Kim Đồng, dịp này cũng tái bản hàng loạt đầu sách đặc sắc khác như: Kể chuyện Tết Nguyên đán (Lời: Trương Quý - Tranh: Kim Duẩn); hai tập tản văn trong Tủ sách “Viết cho những điều bé nhỏ” gồm: Tết xưa thơ bé (Hương Thị) và Nhớ ơi là Tết (Thái Hương Liên). Cuốn sách tranh với những vần thơ ngộ nghĩnh Đúng là Tết! (Lời: Bùi Phương Tâm - Tranh: Mai Ngô) được yêu thích thời gian qua cũng trở lại cùng với phiên bản tiếng Anh This is Tết! để đáp ứng nhu cầu đọc sách của các độc giả nhí trong nước và quốc tế.