Nét chữ của ước mong

Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ? Hai câu thơ kết lại bài thơ Ông đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên thuở nào như một niềm khắc khoải về số phận của một mỹ tục trong mỗi dịp xuân mới, đó là: cho chữ đầu năm. 
Viết và tặng chữ - một nét văn hóa cần lưu giữ
Viết và tặng chữ - một nét văn hóa cần lưu giữ

Niềm tin về một mỹ tục

15 năm nay, ở TPHCM vào mỗi dịp cận tết, tại Nhà văn hóa (NVH) Thanh niên lại xuất hiện phố Ông đồ bên cạnh những cửa hàng bày bán các món đồ thủ công xinh xắn. Hình ảnh những ông đồ, bà đồ trẻ với áo dài khăn đóng, xung quanh là nghiên, mực, bút… ngồi thư thả thảo những nét chữ mềm mại, bay bổng gợi nên sự thích thú và xúc động cho không ít người. Đó có lẽ là minh chứng sinh động nhất cho niềm tin về một mỹ tục của dân tộc vẫn chưa mất đi. Có điều, theo dòng chảy của đời sống, phong tục cho chữ đầu năm bây giờ đã không còn giống như xưa.

Có thể bây giờ không còn hoặc đã trở nên hiếm hoi hình ảnh những ông đồ già “bày mực Tàu, giấy đỏ” bên hè phố hay tại những ngôi chợ, ngồi viết những câu đối bán cho người qua kẻ lại. Câu đối sau đó sẽ được mang về nhà, dán trước cửa, trên bàn thờ hay trên thân cột. 

Ngày nay, việc treo câu đối không còn phổ biến, nhưng truyền thống kính chữ và yêu chữ thì vẫn còn đó. Truyền thống đó được nối dài từ xưa đến nay qua việc xin và tặng chữ. Công việc đầy trang trọng ấy có thể diễn ra vào những ngày cận tết như ở NVH Thanh niên, hay tại các ngôi chùa vào những ngày đầu năm mới. Đó có thể là những bức thư pháp được lồng khung, trang trọng như một bức tranh hay đơn giản là một tấm giấy dó được nẹp gỗ ở hai đầu. Mỗi ông đồ sẽ có khoảng 1.000 câu/chữ được tích lũy từ những người trước, rồi tập hợp lại thành một cuốn sách với đủ các lĩnh vực, triết lý sống, nhân nghĩa… Tùy theo nguyện vọng của người xin mà có những loại chữ khác nhau, hoặc một số người sẽ chuẩn bị từ trước rồi nhờ ông đồ viết theo. Và đằng sau những nét chữ mềm mại, bay bổng kia là những mong ước về những điều may mắn, tốt lành trong năm mới. 

Theo Th.S Nguyễn Hiếu Tín, thư pháp trong Nam có một hiện tượng khác biệt. Nếu như miền Bắc ngày tết tặng chữ, thông thường là chữ Hán thì đến miền Trung vừa chữ Hán vừa Việt, đến miền Nam thì thư pháp chữ Việt lại phổ biến hơn. 

Thông thường, những người kinh doanh sẽ xin các chữ: “Hưng”, “Thịnh”, “Phát”, “Lộc”, “Tín”, “Vượng”, “Phát Tài”, mong cho cộng việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Người có gia đình thường yêu cầu các chữ: “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An Khang”, “Cát Tường”, “Như Ý” nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình, con cháu. Giới trẻ thường xin chữ: “Trí”, “Minh”, “Thành”, “Tài”, “Đạt”, “Nhẫn” để cầu mong việc học hành tấn tới, công thành danh toại… 

Yêu chữ, kính chữ

Nếu tục khai bút vào sáng mùng 1 Tết mang tính cá nhân, gửi gắm ước vọng của riêng mình đến một năm mới bình an, hạnh phúc thì phong tục xin chữ đầu năm lại mang tính cộng đồng, chia sẻ, lan tỏa giá trị chữ nghĩa đến nhiều người hơn. Ông đồ sẽ ngồi viết từ trước tết cho đến rằm tháng Giêng, để cho những người trước tết bận quá chưa có dịp xin chữ thì sau tết họ có thể thỉnh được. “Tục xin chữ cũng hòa quyện với tục đi lễ chùa vào dịp tết: thường người ta đi lễ chùa, sẽ có cảm giác không gian chùa thiêng, cổ kính nên sẵn dịp nếu thấy thầy đồ nào ở đó thì người ta sẽ xin chữ, tạo ra một niềm tin mãnh liệt hơn, con chữ thiêng liêng hơn và tâm thành kính hơn”, Th.S Nguyễn Hiếu Tín (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, người đề xuất mở phố Ông đồ ở NVH Thanh niên) bày tỏ. 

Theo chia sẻ của Th.S Nguyễn Hiếu Tín, phong tục xin chữ ngày nay phù hợp với quy luật phát triển của xã hội. Vì văn hóa không phải “tĩnh tại” hoàn toàn mà nó có “thế động” của văn hóa để thích ứng với thời đại. Sự dịch chuyển từ thư pháp chữ Hán sang thư pháp chữ Việt là một biểu hiện đó. Ngày nay có nhiều bạn trẻ tìm đến với bộ môn nghệ thuật thư pháp chữ Việt và đây là một tín hiệu đáng mừng. Anh nói vui, việc theo đuổi thư pháp không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc. Bởi lợi ích đầu tiên là họ được đọc/học kho chữ của thánh hiền; qua đó, tạo ra và thổi một luồng sinh khí mới vào không gian nghệ thuật của nước nhà. Tuy là thú chơi tao nhã của người xưa, đã cũ nhưng đối với thời nay thì vẫn thấy như mới, thư pháp gần như được “mặc định”, xuất hiện trong tất cả các lễ hội. 

“Lễ hội nào dịp tết cũng xuất hiện loại hình nghệ thuật thư pháp. Điều này cho thấy nhu cầu từ người viết cũng như từ người xin chữ. Thư pháp Việt theo tôi nghĩ vẫn đang định hình, xuất phát điểm tuy mới (vài mươi năm), nhưng độ phổ biến, phong phú các thể hình, kiểu chữ rất đa dạng. Đó là niềm vui, đáng trân trọng, cho thấy truyền thống yêu chữ, kính chữ của người Việt vẫn đang có sức sống bất diệt”, Th.S Nguyễn Hiếu Tín chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục