Nepal giải tán Quốc hội

Ngày 22-5, Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 12 và 19-11 sau khi không còn triển vọng thành lập chính phủ mới. Đây là lần thứ 2 Nepal giải tán Quốc hội trong vòng 5 tháng qua. 
Một cuộc họp của Quốc hội Nepal. Ảnh: AP
Một cuộc họp của Quốc hội Nepal. Ảnh: AP

Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Nepal nêu rõ theo đề xuất của Thủ tướng KP Sharma Oli, Tổng thống Bidya Devi Bhandari đã giải tán Quốc hội, căn cứ vào điều 76 (7) của Hiến pháp Nepal và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử giữa kỳ vào ngày 12 và 19-11.

Điều 76 (7) của Hiến pháp Nepal quy định tổng thống sẽ giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử, theo đề xuất của thủ tướng, nếu thủ tướng đương nhiệm không được tín nhiệm hoặc không thể chỉ định thủ tướng mới.

Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội ngày 10-5, ông Oli đã không giành được đủ số phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ. Người sau đó được Tổng thống Bhandari giao trách nhiệm thành lập chính phủ là lãnh đạo đảng Quốc đại đối lập, cựu thủ tướng Sher Bahadur Deuba cũng không thực hiện được việc này.

Tới ngày 13-2, ông Oli lại được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ và vẫn không thành công trước thời hạn chót là 5 giờ chiều 21-5. Trong tối đó, ông Oli đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp để thảo luận và đưa ra đề xuất giải tán Quộc  hội.

Theo giới phân tích, quyết định giải tán Quốc hội để mở đường cho bầu cử có thể không được Tòa án tối cao Nepal thông qua. Thủ tướng Oli lần đầu giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm hồi tháng 12-2020, tuy nhiên Tòa án tối cao Nepal bác bỏ quyết định này với lý do vi hiến, sau đó khôi phục hoạt động của Quốc hội từ ngày 23-2.


Tin cùng chuyên mục