Đi để trở về
Chiến là một trong vô số những người trẻ hiện nay quyết định bỏ phố, về quê để xây dựng những kênh vlog về ẩm thực, cuộc sống làng quê. Anh kể, học xong THPT từng đi học nghề 3 năm rồi đi bộ đội. Hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự, anh quyết định về quê.
“Tôi đi làm phụ bếp ở Hà Nội một thời gian, thấy nơi đất khách xứ người xô bồ không phù hợp nên bỏ phố về quê, cũng làm công việc đầu bếp. Lúc đó, tôi đã nghĩ đến việc ấp ủ làm một kênh riêng để quảng bá ẩm thực quê hương, đồng quê xưa. Bếp quê choa ra đời như thế”, Chiến tâm sự. Những video đầu tiên được anh thực hiện vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua. Tính đến nay, sau khoảng nửa năm, kênh có hơn 151.000 người theo dõi trên Facebook, hơn 114.000 lượt theo dõi trên TikTok.
Về quê cũng bắt đầu từ mong ước gần gũi với người thân, cảnh vật quê nhà là điểm chung của hầu hết các kênh Vlog ẩm thực làng quê hiện nay. Chủ nhân của kênh Út về vườn - Kim Út là một cử nhân báo chí. Sau 2 năm làm việc ở thành phố đã quyết định bỏ phố về quê, gắn bó với những mảnh vườn, luống rau, con cá... nơi quê nhà. Thậm chí, người đứng sau kênh Khói lam chiều - Nguyễn Thị Mỹ Duyên từng đạt danh hiệu Nữ hoàng trang sức Việt Nam 2017 và đại diện Việt Nam thi Miss Global 2019 (Hoa hậu Toàn cầu).
Khi được hỏi về xu hướng nở rộ các kênh vlog về ẩm thực làng quê, Đồng Văn Hùng, kênh Ẩm thực mẹ làm, cho biết: “Theo mình đây là những điều tích cực, giúp truyền cảm hứng tới mọi người về một cuộc sống tích cực về gia đình, những món ăn, con người, xã hội, làng quê”. Lê Xuân Chiến cũng cho biết: “Những video như thế này sẽ lan tỏa vẻ đẹp riêng của các làng quê Việt, gửi gắm những giá trị quê hương cũng như thông điệp sống tích cực tới mọi người”. Tuy nhiên, theo Xuân Chiến, trong xu thế này cũng còn đâu đó những kênh ít nhiều biến tướng, làm sai lệch thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Tạo nên sự khác biệt
Hiện nay, các kênh vlog về ẩm thực làng quê đang khá thịnh hành. Có thể kể đến những kênh đang nhận được nhiều chú ý: Khói lam chiều, Út về vườn, Bếp quê choa, Anh nông dân, Thôn nữ official, Ẩm thực đồng hao, Bếp nhà mình… Đa phần chủ nhân của các kênh vlog này đều là những người trẻ, trong đó rất nhiều người thuộc thế hệ 9X quyết định bỏ phố về vườn.
Theo Xuân Chiến, ban đầu kênh Bếp quê choa tái hiện khung cảnh xưa và những món ăn gắn liền với tuổi thơ. Anh từng vấp phải những ý kiến trái chiều, đa số mọi người nói tuổi trẻ biết gì về ngày xưa mà làm. Lúc đó, anh quyết định chuyển hướng: “Sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định chuyển qua làm nội dung theo hướng ở cùng bà, nấu cho bà ăn để bà được vui vẻ. Tôi nghĩ với nội dung báo hiếu này cũng phù hợp hơn với đối tượng người trẻ như mình. Từ đó tôi nhận được nhiều phản ứng tích cực. Vui nhất là mọi người xem thấy hình ảnh của mình trong đó, dù đôi khi vẫn còn những bình luận ác ý”, Xuân Chiến bày tỏ.
Hay như kênh Út về vườn, ngoài các món ẩm thực đồng quê, nội dung còn đa dạng với các công việc: làm chổi chà từ lá dừa, hái lục bình đan giỏ, đan võng từ thân chuối, làm cà ráng... Hầu hết các kênh đang được người xem yêu thích đều mang những đặc trưng riêng đến từ trải nghiệm, truyền tải riêng biệt của mỗi người. Anh Đồng Văn Hùng tâm sự, anh luôn học hỏi mỗi ngày nên không sợ bị hết ý tưởng. Nhìn vào số lượng hàng trăm video đã đăng tải, ít khi lặp lại trên kênh Ẩm thực mẹ làm đã là câu trả lời thuyết phục.
Để có thành quả là kho video với các nội dung đa dạng là cả quá trình lao động rất vất vả. Các nhân vật phải chấp nhận lội ruộng, bắt cá, soi ếch, làm vườn, trồng trọt… cho đến những công việc có phần nặng nhọc hơn như: chặt cây, dựng căn bếp, kéo đất làm nền nhà, trộn hồ… Như anh Đồng Văn Hùng chia sẻ, có những video phải mất 6 tháng mới hoàn thành và hầu hết quá trình quay dựng đều do mình anh đảm nhận. Với Xuân Chiến, anh có thêm người em hỗ trợ quá trình quay video. Nhiều người yêu thích còn đề nghị Xuân Chiến cho họ về trải nghiệm khung cảnh làng quê và các món ăn do tự tay anh nấu.