Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 7-11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Các ĐBQH đều cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân trong việc mua xe ô tô, mong muốn được có biển số xe theo ý nguyện, đúng nguyện vọng cá nhân. Đồng thời việc ban hành nghị quyết còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, khẳng định sự công khai, minh bạch trong việc cấp biển biển số xe ô tô..
Tuy nhiên, các ĐBQH tiếp tục góp ý nhiều vấn đề.
ĐB Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) và một số ĐB vẫn băn khoăn nội dung về quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe quy định…
Nêu ý kiến về quyền nghĩa vụ của người trúng đấu giá, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng biển số xe ô tô cũng như điện thoại di động, là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do nhà nước quản lý, nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế. “Nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá thì chủ trương đấu giá biển số ô tô nhằm bổ sung ngân sách đối với số tiền thu được sẽ rất hạn chế, không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá. Do đó, đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển xe ô tô”, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, dự thảo nghị quyết một mặt quy định biển số ô tô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển xe ô tô được cấp theo hình thức trúng đấu giá. ĐB cho rằng quy định như vậy là mâu thuẫn, nếu đã coi biển số ô tô là tài sản thì phải tuân theo những quy định của Bộ luật Dân sự về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản để những quy định trong hệ thống pháp luật được thống nhất.
Về mức giá khởi điểm, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thống nhất quy định thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc 40 triệu đồng là hợp lý; nhưng đồng thời nên xác định "biển số rất đẹp" để tăng khoản thu từ đấu giá.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, người dân chia biển số đẹp thành hai nhóm. Nhóm theo quan niệm dân gian có các chữ số như 39, 79, 86... và nhóm có các chữ số sắp xếp theo quy tắc khoa học như 121.11, 345.67, 888.99... Trong đó, nhóm số sắp xếp theo quy tắc khoa học được đa số người dân yêu thích, khi gắn vào ô tô giúp tăng giá trị xe lên rất nhiều. ĐB dẫn chứng, có xe giá 800 triệu đồng, khi gắn biển 99999 (5 chữ số 9) đã bán được 1,7 tỷ đồng; xe 2,5 tỷ đồng có biển số đẹp đã bán lại hơn 5 tỷ đồng. Dự thảo cho phép người trúng đấu giá được giữ lại biển số cho các xe tiếp theo của mình thì người dân sẽ đấu giá cao hơn giá trị gia tăng trước đây. Do đó, những biển số rất đẹp cần được coi là kho biển số bắt buộc đấu giá, với giá khởi điểm cao hơn, bắt đầu từ 200 triệu đồng.
Theo ĐB, cơ quan soạn thảo quy định giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe. Hiện Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 đến 40 tỷ đồng như Rolls-Royce, Bentley, Maybach Mercedes, Land Rover, Lamborghini, Ferrari, Porche, BMW, Audi…, thì 5% của các dòng xe trên khoảng 150 triệu đến 2 tỷ đồng, do đó mức khởi điểm 200 triệu với biển số đẹp là hợp lý. Xác suất người có xe sang sẽ đấu giá hết kho biển số rất đẹp là rất cao, vì thực tế biển số rất đẹp gắn vào xe sang giúp giá trị xe tăng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh cũng cho rằng, nhiều quốc gia đấu giá biển số xe đặc biệt lên đến hàng triệu đô, thường tổ chức trực tiếp, tiền thu được dành cho từ thiện hoặc hỗ trợ hệ thống an toàn giao thông. Ở Việt Nam, một số tỉnh, thành có đầu số nếu gắn với các biển đẹp theo quy tắc nêu trên sẽ tạo ra những con số đặc biệt như Bắc Ninh có thể có biển 9999999; Hải Dương sẽ có 3456789; Kiên Giang sẽ có 6868888. Nếu những biển số này được đấu giá trực tiếp tại các sự kiện đặc biệt thì mỗi biển có thể lên đến vài tỷ đồng. Từ lập luận đó, ĐB đề nghị bổ sung quy định Bộ Công an được quyền chọn biển số từ kho số bắt buộc đấu giá để tổ chức trực tiếp tại sự kiện đặc biệt, mỗi năm có thể tạo thêm khoản thu vài nghìn tỷ đồng, vừa tăng nguồn thu, vừa thỏa mãn nhu cầu người đấu giá.
ĐB Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang phát) tranh luận cho rằng, giá khởi điểm biển số ô tô đưa ra đấu giá chung nên áp dụng ở mức thấp hơn để tạo cơ hội cho nhiều người dân có thể tham gia vào việc đấu giá để lựa chọn. “Ở đây không phải là biển số “đẹp” (vì khái niệm “đẹp” tùy thuộc vào từng người và khác nhau ở từng miền) mà để hướng tới việc lựa chọn biển số xe ô tô phù hợp với sở thích riêng của cá nhân”, ĐB nói. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức, tạo sự công bằng giữa các chủ thể có nhu cầu, đồng thời sẽ thu hút để có đông người tham gia và tăng nguồn thu cho ngân sách của nhà nước. Mặt khác, khi mức giá khởi điểm thấp hơn sẽ tạo thêm cơ hội cho thêm người dân ở các vùng, miền khác nhau, kể cả những vùng có điều kiện kinh tế, mức sống chưa cao được cùng tham gia để lựa chọn biển số xe ô tô theo nhu cầu sở thích của mình, nên tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế và lắng nghe ý kiến của người dân.