Ngày 26-7, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi Luật Dầu khí (sửa đổi).
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đề nghị có thêm các chính sách để thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; cũng như làm rõ các điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi trong hoạt động xuất - nhập dầu khí. Ngược lại, dự thảo luật cần bổ sung quy định về tước bỏ ưu đãi với nhà đầu tư trong một số trường hợp để tránh bị lạm dụng ưu đãi.
“Ưu đãi phải có nguyên tắc, có quy định việc thu hồi ưu đãi nếu sai phạm, không tuân thủ các quy định”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh. Cụ thể, ông Phong đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%; tăng thuế xuất khẩu lên gấp đôi để tránh xảy ra câu chuyện “mua đắt mua rẻ”.
Chia sẻ quan điểm với ông Phong về thu hồi ưu đãi trong trường hợp nhà đầu tư không đảm bảo cam kết về bảo vệ môi trường, công nghệ, đầu tư…, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói thêm, cần có cách thể hiện phù hợp trong luật để mang tính cảnh báo.
“Khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, nếu họ “đem lại chiếc bánh to hơn” thì sẽ có chính sách kéo dài ưu đãi, mang tính chất “thưởng” cho họ. Vì vậy, rất nên thiết kế chính sách thưởng ưu đãi cho nhà đầu tư trong thăm dò, khai thác dầu khí”, ông Thành nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam bày tỏ quan tâm tới các quy định về bảo vệ môi trường. Theo đó, việc tổ chức hoạt động dầu khí phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp sự cố môi trường; phải xây dựng văn bản riêng, kế hoạch riêng và phải được thẩm định, phê duyệt; kiểm tra, đánh giá và giám sát.
Dự thảo luật đề xuất mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% áp dụng đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nội dung này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam. (Mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%). |