Kênh thông tin chính xác, kịp thời
TPHCM có tốc độ đô thị hóa cao, thị trường bất động sản phát triển sôi động, dẫn đến nhu cầu tìm kiếm thông tin đất đai chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước khá lớn. Để tìm hiểu các thông tin này, người dân phải đến cơ quan quản lý nhà nước về đất đai để làm thủ tục khai thác và nhận kết quả trực tiếp mất rất nhiều thời gian, tốn kém. Do đó, nhằm tạo một kênh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, nhanh chóng và thuận tiện cho người dân về thông tin đất đai, Sở TN-MT TPHCM đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin dữ liệu TN-MT thành phố tại địa chỉ: https://geoportal-stnmt.tphcm.gov.vn/. Nền tảng này chia sẻ 450 tập dữ liệu về TN-MT toàn thành phố thông qua các giao tiếp mở, chuẩn quốc tế và theo quy định của nhà nước. Ngoài ra, Sở TN-MT đã tiến hành đào tạo, hướng dẫn sử dụng để khai thác dữ liệu TN-MT cho UBND TP Thủ Đức, Sở QH-KT, Sở GTVT, Sở GD-ĐT, UBND quận Bình Tân, Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM và các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở TN-MT.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, trước đây, các bản đồ quy hoạch đất đai chưa được đăng tải trực tuyến. Khi muốn lấy dữ liệu đất đai, các đơn vị, cá nhân phải gửi văn bản yêu cầu để nhận tệp dữ liệu bản đồ, sau đó mới khai thác. Với cổng thông tin dữ liệu, người dân có thể truy cập trực tuyến để kiểm tra hiện trạng khu vực đất, hiện trạng quy hoạch; cơ quan nhà nước được cấp tài khoản để lấy dữ liệu theo nhu cầu. Hiện Sở TN-MT đang thực hiện dữ liệu về giá đất. Khi hoàn thành, dữ liệu về giá đất sẽ được chuyển tải lên nền tảng chia sẻ dữ liệu TN-MT, giúp người dân có thể cập nhật, biết giá đất ở khu vực giao dịch, biến động như thế nào. Mặt khác, trên bản đồ nền mà Sở TN-MT cung cấp, Sở GTVT có thể thể hiện các lớp giao thông để quản lý giao thông của TPHCM; Sở QH-KT, Sở GD-ĐT cũng có thể sử dụng bản đồ nền của Sở TN-MT để cung cấp thông tin quản lý về mức độ ngập lụt, kiểm tra pháp lý các quy hoạch sử dụng đất...
Nhiều tiện ích đáp ứng chuyển đổi số
Theo Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN-MT TPHCM), nền tảng chia sẻ dữ liệu TN-MT đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về việc thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu TN-MT trên địa bàn. Đồng thời, đây là một trong những nền tảng số đáp ứng chuyển đổi số trong ngành TN-MT nói riêng và Chương trình chuyển đổi số TPHCM nói chung. Sở TN-MT công bố nền tảng chia sẻ dữ liệu TN-MT nhằm cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân để cùng nhau đồng hành, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của thành phố hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử (chính quyền số) hay Đề án xây dựng đô thị thông minh (xã hội số).
Ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN-MT TPHCM), cho biết thêm, với nền tảng chia sẻ dữ liệu được công bố, người dân, doanh nghiệp có thể xem dữ liệu phân khu, diện tích, quy hoạch, mục đích sử dụng đất và tiến tới là các thông tin về chất lượng nguồn nước, chất lượng không khí, hiện trạng rác thải. Nền tảng dữ liệu TN-MT đã cập nhật một số thông tin về đất đai như phân khu quy hoạch 1/2000; kế hoạch sử dụng đất năm 2018; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của quận Bình Tân…
Với nền tảng này, các dữ liệu TN-MT, đặc biệt là dữ liệu không gian địa lý sẽ được các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận để khai thác, sử dụng và có thể tích hợp, phát triển với các ứng dụng khác, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát huy giá trị gia tăng của dữ liệu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, các dữ liệu trên nền tảng chỉ giúp người dân tham khảo, tham chiếu chứ không có giá trị pháp lý.
Theo ông Vũ Chí Kiên, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, 2 tháng qua, quận đã dùng các lớp dữ liệu như ảnh vệ tinh, thông tin địa chính, kế hoạch sử dụng đất trên nền tảng https://geoportal-stnmt.tphcm.gov.vn/ để phát triển ứng dụng trong quản lý đô thị. Cụ thể như giám sát trật tự xây dựng bằng cách so sánh hình ảnh viễn thám các thời điểm khác nhau để thấy thay đổi của đô thị, rà soát quy hoạch. Ông Kiên nêu ví dụ, năm 2012, một khu vực không có công trình mà đến năm 2015 lại xuất hiện công trình thì địa phương có thể căn cứ vào đây để kiểm tra. |