Nhớ lại những vụ thảm sát nhiều người trước đây, những thủ phạm giết người tàn bạo, man rợ cũng có tuổi đời rất trẻ: thủ phạm vụ thảm sát ở Đắk Lắk sinh năm 1999, thủ phạm vụ thảm sát ở Hải Dương sinh năm 1993, thủ phạm vụ thảm sát ở Bình Phước sinh năm 1991, thủ phạm vụ thảm sát ở Yên Bái sinh năm 1989.
Động cơ phạm tội là do lười biếng, thích tiêu xài hoang phí nhưng không thích lao động, ảnh hưởng cuộc sống vật chất của một bộ phận xã hội, ảnh hưởng internet, phim ảnh bạo lực.
Nghi phạm trong vụ sát hại 5 người trong cùng 1 gia đình ở Bình Tân, TPHCM bị lực lượng chức năng bắt giữ chiều mùng 1 Tết Mậu Tuất 2018 tại Long An. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp.
Những kẻ côn đồ, mất nhân tính này thường có hoàn cảnh gia đình không êm ấm, không được học hành đến nơi đến chốn, không được gia đình quan tâm giáo dục nhân cách, không hiểu luật pháp, cá biệt có người không biết chữ, từ lúc nhỏ đã bỏ nhà đi hoang sống lang thang, nghiện ma túy, nghiện game, cờ bạc.
Nền tảng đạo đức gia đình ảnh hưởng rất nhiều trong việc hình thành đạo đức xã hội. Trong gia đình, người con không hiếu kính với cha mẹ thì ra ngoài xã hội rất khó tôn trọng, giúp đỡ người lớn tuổi.
Anh em trong nhà không hòa thuận thì lúc ra đường dễ dàng gây sự với người chung quanh. Vợ chồng không tương kính, sống thiếu chung thủy thì ngoài xã hội dễ phát sinh lối sống không tử tế, hư hỏng.
Đạo đức gia đình không thể hình thành bằng cách lấy quyền lực làm ông bà, cha mẹ mà rao giảng lý thuyết suông, sử dụng bạo lực o ép con cháu phải thực hiện, mà người lớn phải làm gương tốt cho con cháu noi theo. Đạo đức gia đình là khuôn mẫu mà tất cả mọi thành viên có trách nhiệm tự nguyện thực hiện.
Giáo dục đạo đức cho con cái trong gia đình không dễ dàng. Cho dù cha mẹ đã thể hiện tấm gương tốt nhưng trẻ chưa chắc noi theo. Cha mẹ cần có kỹ năng quan tâm thấu hiểu, thông cảm sâu sắc tâm tư nguyện vọng của trẻ, nhất là trẻ ở vào độ tuổi biến đổi tâm sinh lý, độ tuổi luôn muốn khẳng định mình, thường nóng vội khi chưa trải nghiệm cuộc sống. Ý thức xốc nổi, bướng bỉnh rất dễ đưa trẻ tới trạng thái cực đoan thiếu suy nghĩ chín chắn.
Gia đình cần nhìn lại và điều chỉnh lối sống phù hợp với truyền thống đạo đức, như kính trên nhường dưới, thương yêu giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau, sống hòa thuận, sống vui, sống chung thủy, không vì cơm áo gạo tiền mà quên quan tâm chăm sóc trẻ.