Cách đây không lâu, người ta bàn tán chuyện xóa sổ loa phường và tìm giải pháp để chuyện hát karaoke vô tội vạ từ loa kẹo kéo không trở thành vấn nạn, nỗi ám ảnh ở đô thị. Điều này cũng có lý do, bởi ở những đô thị lớn như TPHCM, nhịp sống hiện đại mang đến nhiều phương thức đa dạng để tiếp cận thông tin thì vai trò của loa phường, loa xã… trở nên lỗi thời.
Nhưng những ngày qua, loa phường, loa xã lại hữu dụng đến “đáng yêu”. Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, thông tin từ loa phường để bà con trên địa bàn nắm tình hình địa phương, ông tổ trưởng, bà tổ trưởng dân phố đỡ phải đi thông báo đến từng nhà, vừa mất thời gian vừa đảm bảo an toàn giãn cách.
Nỗi ám ảnh mang tên loa kẹo kéo cũng giảm bớt, khi ở nhiều nơi, nó đi sâu vào từng hẻm nhỏ, phát thông báo các quy định và chỉ thị phòng chống dịch, để người dân nắm rõ. Nhất là những khu vực xóm, ấp vùng ven thành phố, khi thói quen đọc của người dân chưa cao, nghe thông báo từ loa xã, loa kẹo kéo trong xóm, lúc này lại trở thành một giải pháp hữu hiệu.
Câu chuyện tình làng nghĩa xóm hay nghĩa tử là nghĩa tận hẳn là điều không mới, những ngày chống dịch buộc người ta phải thích nghi theo một góc nhìn mới. Giỗ chạp hay đám tang theo phong tục thường tổ chức khá quy mô và kéo dài nhưng giờ mọi thứ phải đơn giản và gọn nhẹ nhất, để đảm bảo các quy định chống dịch. Thay cho nén nhang tiễn biệt là những cuộc gọi và tin nhắn chia buồn, nhưng chẳng ai trách hờn gì ai.
Và khi lượng F0 trong cộng đồng tăng cao, người ta cho nhau bó rau cũng chỉ treo trước cửa rào hay để trước hiên nhà rồi gọi nhau một tiếng. Thói quen ngồi tán dóc của mấy “bà tám” cũng không còn, có “tám” thì lên group Zalo, Viber của chung cư hay tổ dân phố, còn ai ở đâu thì ở yên đó.
Nền tảng gia đình, tế bào của xã hội những ngày này cũng được thấy rõ. Những bữa cơm nhà giờ đủ mặt thành viên, điều mà ngày thường hay bị che lấp bởi công việc, quan hệ xã hội, bạn bè… Giữa những dông tố của dịch bệnh, mỗi người lại tìm thấy ở gia đình của mình một chỗ dựa vững chãi để cùng vượt qua mùa dịch...
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh không ít, nhưng bài học trong những ngày nhiều biến động rất đáng giá. Cái cũ chưa chắc đã lỗi thời, biết cách vận dụng phù hợp thì giá trị vẫn còn nguyên. Chuyện loa phường, loa xã hay phần nào loa kẹo kéo cần có một cái nhìn và phương án phù hợp hơn. Thay thế hay xóa sổ sẽ rất nhanh nhưng tìm cách để duy trì vừa phù hợp vừa hiệu quả mới là giá trị bền vững.
Quay về giá trị gia đình, những giá trị từ bên trong của mỗi người cũng không phải là bài học mới, nhưng có lẽ để người ta nhận ra nó thì cần có thử thách. Như đối mặt với dịch bệnh là một ví dụ, gian nan giúp người ta nhận ra đâu là điều cốt lõi cho mình, nhất là với những người trẻ vốn đôi lúc bị cuốn theo lối sống trào lưu, xu hướng.
Thích nghi và đi qua những ngày nhiều biến động là câu chuyện khó mà dễ. Những vi phạm trong phòng chống dịch sẽ có những chế tài xử lý hay xử phạt… Còn tinh thần của mỗi người, quan trọng là phải tìm cho mình một góc nhìn, cách ứng xử đủ bình tĩnh và vững chãi để đối mặt với biến động và dũng cảm đi qua nó.