Tại tọa đàm, ý kiến đều đánh giá: Các trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm |
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngành giáo dục Việt Nam cũng đứng trước những tranh luận về việc sử dụng sản phẩm AI này như thế nào, cần nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, những ngày qua, chúng ta chứng kiến việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng và truyền bá công cụ ChatGPT. Trước kia, ngành giáo dục, hay là các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức, với câu nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi. Với sự ra đời của nhiều sản phẩm công nghệ, nhiều người lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, giáo dục cũng sẽ có những thách thức rất lớn.
“Nhưng chúng ta đều thấy, tất cả những công nghệ đó ra đời đều giúp ngành giáo dục có những bước tiến lớn. Với ChatGPT, vấn đề là làm sao quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung; cũng như để hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của nó”, Thứ trưởng phát biểu.
Ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, chắc chắn những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học. Vai trò người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ là thích ứng mà còn đón đầu, để phát huy những lợi thế của công nghệ. Người học cũng như chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại. Bộ GD-ĐT sẽ có những nghiên cứu thấu đáo, để từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới.
Đông đảo chuyên gia, giáo viên quan tâm dự tọa đàm về ChatGPT |
Tại tọa đàm, các ý kiến đều cho rằng, giáo viên nên coi ChatGPT là trợ thủ đắc lực cho việc dạy học. Trước đây, để trả lời một câu hỏi có thể phải hỏi nhiều người, tìm kiếm nhiều tư liệu, nhưng với ChatGPT có thể giải quyết được ngay. ChatGPT không thể thay thế con người vì không có cảm xúc, nhưng giáo viên có thể coi đó như một trợ lý, trợ thủ đắc lực.
PGS-TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường CNTT và truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) nêu ý kiến, một số nơi đang dự định cấm dùng ChatGPT vì sợ học sinh sẽ sử dụng để viết bài luận. Đó là tư tưởng lạc hậu. Không nên cấm. Thay vì ngồi tranh luận học sinh đang sao chép bài luận từ ChatGPT thì thầy cô có thể hướng dẫn, giúp sinh viên tăng điểm bài luận. Như vậy, sinh viên được hỗ trợ từ cả thầy cô và AI. “Không ai có thể từ chối công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Do đó, nên coi các sản phẩm công nghệ là công cụ cho cho chúng ta”, PGS-TS Tạ Hải Tùng nói.
GS-TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, đây là cơ hội để giáo viên chuyển đổi phương thức dạy học, thay vì dạy thiên về kiến thức thì chuyển trọng tâm hơn về phát triển năng lực, về dạy đạo đức cho học sinh, sinh viên; là cơ hội để đào sâu hơn những vấn đề cần quan tâm.
“Chúng ta không nên sợ công nghệ, sợ cái mới. Dĩ nhiên, cái gì mới mẻ cũng gây tâm lý lo lắng, nhưng nên tận dụng để sử dụng. Giảng viên, nếu vẫn sử dụng phương thức giảng dạy cũ thì sẽ bị lạc hậu. Thực tế, nhiều sinh viên sử dụng công cụ AI còn có kiến thức rộng hơn thầy cô. Do đó, thay vì truyền thụ kiến thức, thầy cô nên chuyển sang việc định hướng, dẫn dắt sinh viên tiếp cận tri thức”, ông nói.