Nén tâm hương tiễn biệt Đại tá Bùi Văn Tùng

Tôi nhớ như in, hôm đó khi mọi người phát biểu ghi nhận công lao đóng góp của ông thì ông chỉ nhẹ nhàng nói: “Tất cả những người có mặt ở Dinh Độc lập và Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975 tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của nội các Dương Văn Minh - Vũ Văn Mẫu đều là đại diện cho Quân đội nhân dân ta, chiến thắng này là của nhân dân ta, của Đảng ta, của toàn dân tộc ta”.

Tôi gặp ông - Đại tá Bùi Văn Tùng - lần đầu tiên vào ngày 15-5-1975 tại Dinh Độc lập (nay là Hội trường Thống Nhất - TPHCM). Lúc đó, tôi là phóng viên Báo Quân Giải Phóng miền Nam. Tại phòng khánh tiết Dinh Độc Lập, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đã vinh dự thay mặt cán bộ chiến sĩ 5 cánh quân giải phóng Sài Gòn được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ôm hôn thắm thiết. Lần gặp ấy, tôi cảm nhận trên gương mặt ông và tất cả mọi người niềm hân hoan, mừng vui tột đỉnh khi chiến tranh gian khổ, khốc liệt đã kết thúc.

Lần thứ hai tôi gặp ông vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng tại Hội trường Thống Nhất (ngày 30-4-2005). Ấn tượng lớn nhất của lần gặp này là sự cảm động khôn cùng. Đại biểu đến dự là những người tham gia chiến tranh năm xưa và vợ con của những đồng chí đã hy sinh. Lúc đó, sức khỏe của các đồng đội năm nào đã dần yếu do tuổi tác, bệnh tật. Có những người 30 năm sau giải phóng họ chưa một lần trở lại. Thế nhưng, vì nhớ đồng đội, nhớ chiến trường xưa, có người đã phải bán đi con bò, tạ thóc để lấy tiền mua vé tàu, xe lặn lội trở lại thăm. Lúc này, Đại tá Bùi Văn Tùng đã phải ngồi trên xe lăn, tóc đã bạc trắng.

Tại cuộc gặp gỡ này, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến nhưng Đại tá Bùi Văn Tùng vẫn ngồi điềm đạm, khiêm tốn trên chiếc xe lăn. Tôi nhớ như in, hôm đó khi mọi người phát biểu ghi nhận công lao đóng góp của ông thì ông chỉ nhẹ nhàng nói: “Tất cả những người có mặt ở Dinh Độc lập và Đài Phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975 tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của nội các Dương Văn Minh - Vũ Văn Mẫu đều là đại diện cho Quân đội nhân dân ta, chiến thắng này là của nhân dân ta, của Đảng ta, của toàn dân tộc ta”. Tôi rất thấm thía câu nói này của ông, bởi tôi cũng là người lính, là một sĩ quan tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng có mặt ở Sài Gòn trong thời khắc lịch sử ấy. Tôi nghĩ, chúng tôi còn sống đến hôm nay đó là một sự may mắn. Cả dân tộc đã phải chiến đấu, đổ xương máu suốt bao nhiêu năm bảo vệ đất nước nên nếu hy sinh cũng là vinh dự để cho nhiều người khác có mặt. Đó là sự tất yếu của lịch sử.

Thời gian sau này, do tính chất công việc, tôi ít có dịp gặp lại nhưng vẫn tiếp xúc với những tư liệu liên quan đến Đại tá Bùi Văn Tùng. Đặc biệt là những tài liệu của nhà báo Borries Gallasch, phóng viên báo Der Spiegel (Tấm Gương) của CHLB Đức - người đã có mặt ở Dinh Độc Lập và Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30-4-1975. Nhà báo này đã từng cho ông Bùi Văn Tùng và các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mượn máy ghi âm, ghi lại lời đầu hàng vô điều kiện của Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa để phát trên Đài phát thanh Sài Gòn, đặt dấu chấm hết của chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Năm 2010, sau khi nhà báo Borries Gallasch mất, gia đình ông đã gửi nhiều tư liệu sang Việt Nam, trong đó có cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh - giờ khắc số 0 - Những phóng sự kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” do ông chủ biên xuất bản ở CHLB Đức từ tháng 9-1975. Đọc xong những tư liệu này, tôi cứ thấy hình ảnh Đại tá Bùi Văn Tùng luôn hiện lên trong tâm trí tôi, bởi những cứ liệu đó đã chứng minh cho ông về giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 .

Hôm nay, nhận được tin ông đã về cõi vĩnh hằng với tổ tiên, với những đồng đội đã hy sinh, tôi bùi ngùi viết những dòng này như nén tâm hương thắp trước anh linh ông - người đồng chí, đồng đội của tôi.

Ngày 10-2, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, và đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, đã đến viếng Đại tá Bùi Văn Tùng và chia buồn cùng gia đình ông.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia buồn cùng gia đình Đại tá Bùi Văn Tùng. Ảnh: TỶ HUỲNH

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia buồn cùng gia đình Đại tá Bùi Văn Tùng. Ảnh: TỶ HUỲNH

Đồng chí Nguyễn Văn Nên xúc động ghi vào sổ tang: “Đồng chí Đại tá Bùi Văn Tùng, người chiến sĩ Cộng sản, trung với Đảng, hiếu với dân. Một cán bộ Quân đội tài năng, đức độ, mẫu mực, khiêm nhường luôn chí tình, chí nghĩa với đồng chí, đồng đội và mọi người - được mọi người yêu mến. Một trong nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng có mặt tại Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử; là người soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trưa ngày 30-4-1975. Một chiến sĩ và vinh dự lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng và cá nhân đồng chí”.

Cùng ngày, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang; Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316) cùng nhiều đồng chí, đồng đội đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình Đại tá Bùi Văn Tùng.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục