Đây là những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, an toàn giao thông đường sắt và an toàn chạy tàu và có liên quan đến sức khỏe, sinh mạng của hàng ngàn hành khách trên tàu, đòi hỏi người thực hành nhiệm vụ phải đặt công vụ của mình lên hàng đầu.
Khi để xảy ra mất an toàn chạy tàu, tai nạn giao thông đường sắt, tai nạn chạy tàu (dù là bất kỳ lý do gì) thì việc bị đình chỉ công tác, bị xử lý kỷ luật lao động, thậm chí bị xử lý hình sự là chuyện không thể tránh khỏi.
Vì vậy có thời điểm, nhiều người lao động, công nhân gác chắn đường sắt, công nhân gác ghi đường sắt đành phải bỏ việc và đi tìm việc khác để mưu sinh...
Nhân viên gác chắn đang đảm bảo an toàn cho tàu chạy qua tại gác chắn Hoàng Văn Thụ, TPHCM.
Cách đây gần chục năm, ngành đường sắt Việt Nam thành lập Trung tâm cứu nạn, cứu hộ đường sắt.
Trong thực tế, khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, lực lượng của Trung tâm cứu nạn, cứu hộ đường sắt đã có mặt kịp thời, nhanh chóng xử lý, khắc phục sự cố cũng như các vụ tai nạn chạy tàu, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra.
Nhưng chỉ hoạt động sau gần 4 năm, trung tâm này đã phải giải thể vì nhiều lý do, trong đó có lý do về biên chế, chức năng hoạt động của trung tâm chưa thật sự rõ ràng về nhiệm vụ cũng như trách nhiệm.
Để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của những vụ mất an toàn chạy tàu, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng xảy ra liên tiếp như trong thời gian vừa qua, ngành đường sắt cần tái thành lập trung tâm trên, quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ để thuận lợi trong hoạt động.
Bên cạnh đó, nhanh chóng cải tổ, kiện toàn và sắp xếp lại lao động, nhất là lực lượng làm công việc trực tiếp, nặng nhọc như công nhân gác ghi, công nhân gác chắn…; siết chặt quy định về tuyển dụng đối với đối tượng lao động này, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người lao động trong thực hiện nhiệm vụ để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của những vụ tai nạn giao thông đường sắt, mất an toàn chạy tàu do chủ quan.