Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 21-9 có đăng bài “Sớm có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”. Theo tác giả bài viết Trần Quang Tuấn: “Lực lượng bảo vệ dân phố trên địa bàn TPHCM được thành lập từ năm 2009, đến nay qua hơn 10 năm, mặc dù được HĐND TPHCM xem xét tăng dần mức phụ cấp nhưng hiện tại vẫn chỉ ở mức 2,3 triệu đồng/tháng. Với mức phụ cấp ít ỏi như vậy, số thanh niên tham gia lực lượng bảo vệ dân phố ngày càng thiếu vắng, dường như lực lượng này chỉ có sự tham gia của các bậc cao niên rảnh rỗi. Vì vậy, khi có sự việc xảy ra, có những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”.
Theo quy định của pháp luật, nhiệm vụ của Bảo vệ dân phố là: Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở công an phường. Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với UBND, công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội. Tham gia với lực lượng công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.
Với chức năng và quyền hạn như vậy, độ tuổi của bảo vệ dân phố cũng cần theo luật (không quá 60 tuổi, sức khỏe tốt) và am hiểu pháp luật. Hiện nay, một số cơ quan, trường học cũng hợp đồng lao động với người bảo vệ không quá 60 tuổi.