Từ đầu năm 2021 đến nay, tác động của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, cũng như các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp (KCN) nói riêng. Một bộ phận công nhân (CN) về quê tránh dịch nên chưa đảm bảo sản xuất cho các doanh nghiệp (DN).
Một trong những nguyên nhân là do các địa phương, DN lâu nay chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho CN, nên không đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ” (ăn, ngủ, làm việc).
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 4,8 triệu CN làm việc trong các KCN, trong đó hơn 70% đang thuê trọ. Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…), theo thời gian, việc gia tăng các KCN, khu chế xuất đã thu hút rất nhiều CN về làm việc. Cùng với các thiết chế văn hóa thì nhu cầu về nhà ở, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt là vô cùng lớn.
Tại TPHCM, dù đã và đang thực hiện 34 dự án xây dựng nhà lưu trú cho CN, với hơn 5.500 phòng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15,3% nhu cầu.
Để đảm bảo nguồn lực lao động lâu dài, lãnh đạo chính quyền các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TPHCM, cần xem xét ưu tiên mở rộng các khu lưu trú cho CN nhằm giúp họ an tâm làm việc và cống hiến.
Cụ thể hóa việc này, các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương phải tích cực hỗ trợ đồng bộ về vốn, thủ tục cho các DN đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho CN. Ngoài việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì cần nghiên cứu bổ sung để các DN đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho CN được áp dụng thuế suất ưu đãi, miễn thuế thu nhập DN…
Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho CN, đặc biệt là tại các khu vực có đông CN. Nếu các giải pháp này được triển khai đồng bộ sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu nhà ở cho CN tại các KCN, khu chế xuất, góp phần thúc đẩy nền kinh tế sớm phục hồi sau đại dịch.