Khai thác tài nguyên cũng được xác định là nguyên nhân hàng đầu gây mất đa dạng sinh học toàn cầu. Đó là lý do Liên hiệp quốc (LHQ) gần đây tung ra chính sách khuyến khích kinh tế xanh, giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên của Trái đất.
Kể từ Hội nghị khí hậu Rio+20 tháng 6-2012, ngày càng có nhiều quốc gia bắt tay vào con đường hướng tới các nền kinh tế xanh. Một nền kinh tế xanh được Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) định nghĩa là một nền kinh tế có hàm lượng carbon thấp, hiệu quả và sạch sẽ, và còn bao gồm sự chia sẻ, hợp tác, đoàn kết và phụ thuộc lẫn nhau.
UNEP đã đưa ra Sáng kiến kinh tế xanh vào năm 2008, nhằm khuyến khích đầu tư cải thiện môi trường như một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Sáng kiến này đã tạo được tiếng vang với các nhà hoạch định chính sách, điển hình như nền kinh tế xanh của các nước Hồi giáo. Chính phủ và doanh nghiệp nhiều nước cũng chú trọng đầu tư vào công nghệ sạch và nước sạch... góp phần cải thiện môi trường đồng thời tạo ra việc làm và thị trường mới. Một số nước đã thành công bước đầu như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Tuy nhiên, để mô hình kinh tế xanh duy trì một cách có hiệu quả trên quy mô lớn, cần một hệ thống có khuôn khổ nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các cố vấn chính sách và giám đốc điều hành doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho các sinh viên tốt nghiệp bước vào các vị trí đó trong những năm tới.
Chính vì vậy, ngày 12-6, UNEP đã tung ra cuốn sách nhan đề The Inclusive Green Economy: Policies and Practic (tạm dịch Nội hàm kinh tế xanh: Chính sách và Thực tiễn). Sách cố gắng đưa ra khuôn khổ có hệ thống cho mô hình kinh tế xanh, mô tả kinh nghiệm xây dựng và mở rộng mô hình tăng trưởng kinh tế xanh từ đầu tư vào vốn, công nghệ sạch và kỹ năng xanh, được hỗ trợ bởi các chính sách tài chính, thương mại và lao động. Sách cũng đề cập đến tầm quan trọng của các tổ chức và đo lường tiến độ để đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là vì người nghèo và công bằng xã hội. Cuốn sách là tập hợp nhiều ý kiến về việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh nhằm cung cấp một nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên và các bên liên quan khác. Theo ông Steven Stone, Giám đốc Chi nhánh Tài nguyên và Thị trường của LHQ, cuốn sách nói trên góp phần quan trọng vào sự hiểu biết của chúng ta về vấn đề nghèo đói, bao gồm cả những cách tạo ra việc làm khi chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Giám đốc điều hành Viện Đào tạo và Nghiên cứu của LHQ (UNITAR), Nikhil Seth, thêm rằng, ấn phẩm là công cụ truyền tải những ý tưởng và khái niệm mới có thể truyền cảm hứng cho những lãnh đạo của ngày mai. TS Meshgan Al Awar, Tổng Thư ký Quỹ Zayed và đồng tác giả của sách, đã tóm tắt ý nghĩa và tầm quan trọng của sáng kiến kinh tế xanh khi cho rằng, cuốn sách này giúp truyền cảm hứng cho các quốc gia, tổ chức và cá nhân khi theo đuổi mô hình kinh tế xanh.