Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, hoạt động đầu tư sản xuất hiện nay tuy có tăng, nhưng do sử dụng nguồn vốn vay là chính nên Việt Nam đang tiến vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng kinh tế với những bước đi thận trọng trong những tháng cuối năm.
Đầu tư, sản xuất tăng
Khá nhiều tín hiệu tích cực đáng ghi nhận thời gian qua. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, sản xuất công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2017 (7%) và năm 2016 (5,4%).
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng đạt gần 4%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Khu vực dịch vụ cũng tăng 6,9%, đạt mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây. Và đà tăng trưởng tiếp tục duy trì trong quý 3-2018.
Hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng trưởng thực chất hơn vì vốn giải ngân cao, đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cũng đạt 5,7 tỷ USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam.
Và ngược lại, dòng vốn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng tăng. 9 tháng qua, cả nước có khoảng 100 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 286 triệu USD và 23 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư của Việt Nam tăng thêm gần 45 triệu USD.
Như vậy, tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm hơn 330 triệu USD. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 9 tháng cũng hơn 168 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này trở ngược tình thế chuyển sang xuất siêu 5,5 tỷ USD - trong khi cùng kỳ năm trước thâm hụt hơn 700 triệu USD. Chính sự tăng trưởng này nên các tổ chức đánh giá diễn biến nền kinh tế Việt Nam theo hướng tích cực.
Nếu ở tháng 4-2018, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo tăng trưởng kinh tế 2018 sẽ đạt 6,83% thì đến tháng 6, dự báo tăng trưởng của năm có thể đạt tới 7,02%.
Còn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa nhận xét, nhờ quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp nên năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đạt mức 7%.
Sử dụng vốn vay là chính
Theo Cục Thống kê, tăng trưởng GDP 9 tháng qua đạt xấp xỉ 7%, mức cao nhất kể từ năm 2011; trong đó, khu vực nông nghiệp (đặc biệt là xuất khẩu gạo) tăng trưởng tốt nhờ lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng.
Ngành thủy sản Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ thương mại khi Mỹ giảm các quy định và thuế áp đặt lên một số mặt hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cắt giảm thuế nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Thế nhưng, ở khu vực sản xuất thì trong quý 3 tốc độ tăng trưởng có chậm lại. Mặc dù Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực ASEAN nhưng số lượng đơn đặt hàng suy giảm trong tháng 9.
Tốc độ tăng trưởng bán buôn, bán lẻ giảm nhẹ là dấu hiệu cảnh báo sớm về khả năng tổng tiêu dùng trong nước tiến gần tới ngưỡng giới hạn. Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn cũng đang tác động tới khu vực dịch vụ tài chính.
Do vậy, đơn vị này cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tiến vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân, nhiều dự án đầu tư tư nhân quy mô lớn, nhưng đa phần các dự án này vẫn phụ thuộc dòng vốn tín dụng.
Thực tế tại thị trường Việt Nam, ngân hàng và bất động sản vẫn là những nhóm ngành thu hút dòng vốn của nhà đầu tư lớn nhất, nhưng xu hướng dòng tiền vào 2 ngành này đã giảm bớt trong tháng 9.
“Chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng thắt chặt hơn trong các năm tới. Các nhân tố ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào thị trường mới nổi vẫn đang cho thấy sự đan xen tốt - xấu. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sớm công bố ý định nâng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2019 là điều khá bất ngờ", bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Ban Chiến lược Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, phân tích.
"Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đã lên mức 3,2%, phá vỡ xu hướng sau 37 năm. Điều này thực sự cho thấy dấu hiệu rõ rệt của kỷ nguyên lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ đang đi đến hồi kết”, bà Nguyễn Thị Phương Lam cho biết thêm.
Ngoài ra, dầu thô, dòng tiền và nợ công là 3 rủi ro chính đối với các nền kinh tế đang phát triển thì ở Việt Nam, đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng kinh tế và sự ổn định vĩ mô có nguy cơ bị đe dọa bởi 3 yếu tố trên.
Nhìn lại lịch sử thì 3 yếu tố này chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới nên những tháng cuối năm, sự phát triển của nền kinh tế sẽ tiến những bước thận trọng hơn.