Không thể làm dự án ngay lõi rừng
Vấn đề thời sự bão lũ ở miền Trung được các ĐB Quốc hội tập trung thảo luận với nhiều ý kiến tâm huyết. ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, bão lũ ngày càng nặng nề chính là hậu quả của việc chúng ta đã “tấn công” vào mẹ trái đất, vào những ngọn núi, con sông, cánh rừng như những vòng tay bao bọc cho con người hàng ngàn năm nay. Rừng bị chặt, sông bị chặn, núi bị đào nên nước mới lúc khô, lúc ngập, trời lúc nóng kỷ lục, lúc lại lạnh thấu xương.
Thảm họa sẽ xảy ra bất cứ nơi đâu ở Việt Nam nếu chúng ta trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay lõi rừng; thủy điện cóc vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí còn được cấp phép mới. Do đó, cần phải thay đổi cách làm, tư duy, từ thói quen dùng những bộ đồ gỗ tự nhiên “hoành tráng” được khai thác từ rừng đặc dụng đến việc giữ rừng, giữ những ngọn núi cao.
“Philippines là quốc gia chịu bão nhiều nhất Đông Nam Á nên chúng ta có thể học rất nhiều từ phía bạn. Họ giữ rừng, những ngọn núi cao còn hơn cả con ngươi của mắt mình vì biết đó là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước, con người trước sự giận dữ của thiên nhiên. Siêu bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già của Philippines đã hạ cấp độ nguy hiểm là ví dụ rõ ràng nhất”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu.
Dẫn câu chuyện cả nước hướng về miền Trung, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia và có sự đóng góp của nhiều chuyên gia, từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam hạn chế xây và vận hành các thủy điện mới và cũ đến những việc cấp thiết như cập nhật, vẽ bản đồ sạt lở các tỉnh thành; xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ; hệ thống cảnh báo bão lũ hiệu quả hơn; có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt... Chỉ như vậy, người dân mới tránh được những tổn thất đau xót.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, chúng ta mất quá nhiều rừng tự nhiên. Các dự án thủy điện nhỏ 20 năm qua phát triển ồ ạt; hàng chục ngàn ha rừng mất đi; chỉ tiêu trồng rừng mới không nói lên nhiều khi rừng tự nhiên ngày càng mất đi. Đó chính là nguyên nhân khiến lũ quét và sạt lở đất. “Thủy điện không làm ra lũ nhưng làm mất rừng, tàn phá nặng nề hơn”, ĐB Hoàng Đức Thắng nói và cho rằng Chính phủ cần rà soát để có đánh giá cụ thể hơn, toàn diện hơn nhằm khắc phục những bất cập hiện nay. Đối với các dự án thủy điện nhỏ, cần có giải pháp căn cơ hơn. Quốc hội cần tăng cường giám sát quyết liệt, có quyết sách mạnh mẽ đối với việc trồng rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên.
Chuẩn bị cuộc “đổi mới lần hai”?
Về kế hoạch 5 năm tới, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, chúng ta đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa với những mục tiêu cụ thể. Nền kinh tế phải chuẩn bị cho chặng bay mới. 5 năm tới có ý nghĩa quyết định nhất đối với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu 5 năm tới không cất cánh được hoặc cất cánh với tốc độ thấp thì mãi mãi chỉ là khát vọng.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đánh giá, đang có làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; có 15/30 doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển cơ sở sản xuất chọn Việt Nam là điểm đến… Tuy nhiên, giải pháp của mọi giải pháp vẫn là đẩy mạnh cải cách thể chế, khai thông mọi nguồn lực để doanh nghiệp phát triển, cắt bỏ những thủ tục chồng chéo. Mặt khác, để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư thành công phải nhanh chóng có hành lang pháp lý đầy đủ từ luật đến các văn bản dưới luật. Trong đó cần có luật về công nghiệp hỗ trợ, bởi nếu không có luật thì Việt Nam có thu hút được bao nhiêu vốn đầu tư nước ngoài, hàng trăm hàng tỷ USD đi chăng nữa mãi mãi cũng không thoát khỏi “kiếp gia công”, không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.
Đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc vụ SGK lớp 1
Vụ lùm xùm về sách giáo khoa (SGK) lớp 1 (bộ Cánh Diều) cũng được các ĐB quan tâm. Là người trong ngành giáo dục, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng đã sai thì phải sửa; cần rà soát, làm rõ những sai sót trong tất cả SGK mới; có phương án chỉnh sửa cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của nhóm biên soạn, nhà xuất bản, hội đồng thẩm định… Bởi SGK dùng để dạy con trẻ rất quan trọng, như biểu tượng thước đo sự chuẩn mực trong giáo dục. Đề nghị thẩm định lại toàn bộ SGK lớp 1 mới; đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để xem có sai phạm hay không.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, không chỉ bộ Cánh Diều mà các bộ sách khác cũng đang được rà soát lại. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, đổi mới giáo dục cần có lộ trình. “Đổi mới SGK cần 5 năm để thực hiện. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện với 46 cuốn SGK lớp 1, số lượng khá lớn do đó không tránh khỏi sai sót. Ngành giáo dục sẽ nghiêm túc lắng nghe để tiếp tục rà soát, hoàn thiện”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Rút kinh nghiệm các dự án giao thông đường sắt đô thị Các dự án giao thông đường sắt đô thị được triển khai thời gian qua bộc lộ rất nhiều vấn đề, đặc biệt là chậm tiến độ. Những bài học được rút ra là quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác chuẩn bị dự án đầu tư phải lựa chọn được công nghệ, nhà thầu tốt, bảo đảm mặt bằng sạch khi triển khai dự án... Tiếp thu ý kiến xã hội, ĐBQH, sắp tới Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, TPHCM để những dự án đường sắt đô thị khởi công mới tránh tình trạng lặp lại như hiện nay. Về giao thông ĐBSCL, đến hết năm 2025 có thể nâng tỷ lệ giao thông cao tốc của khu vực từ 40km hiện nay lên hơn 300km, tức đầu tư thêm hơn 200km gồm: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ (sẽ hoàn thành năm 2022) và cầu Mỹ Thuận (năm 2023); nâng cấp đoạn Cao Lãnh - Vàm Cống, Vàm Cống - Rạch Sỏi; quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - An Hữu để kết nối với cao tốc TPHCM - Cần Thơ; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. |