Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần

Mở hướng
Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần

Ngay từ Đại hội V (1982), Đảng ta đã thừa nhận có sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần. Thế nhưng, phải đợi đến cuối những năm 1980, tư duy này mới thoát ra khỏi sách vở giáo điều để đi vào thực tiễn với những cách làm cụ thể, sáng tạo của những người đi tiên phong.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm HTX Quyết Tiến (quận 5, TPHCM) chuyên sản xuất đèn dầu. Ảnh: THÁI BẰNG

Mở hướng

Nghe ông Bảy Bê cán bộ hưu trí trong khu phố nói về chủ trương ai có tiền, có kinh nghiệm, có máy móc muốn mở cơ sở sản xuất nhỏ đều được Nhà nước tạo điều kiện, ông Lý Hòa (phường 6, quận 5) bán tín, bán nghi nhưng cũng chạy lên UBND phường hỏi xem thủ tục thế nào. Sau khi được cán bộ tại đây giải thích và thấy có vẻ thuận lợi, ông Hòa đưa chuyện làm ăn ra bàn với gia đình. “Mới mấy năm trước, Nhà nước thu máy, thu hàng của bao nhiêu tư sản mà ông không sợ à” - bà Muội gạt ngang ý định của chồng khi tính chuyện đem 5 cây vàng còn lại bán đi để mua máy thổi ni lông về sản xuất. Thuyết phục vợ con không xong, ông Hòa tìm gặp ông Thụy cùng sinh hoạt trong Hội quán tính chuyện hùn hạp làm ăn. Ông Thụy đồng ý bỏ vốn, còn ông Hòa có kinh nghiệm, có quan hệ và một mảnh đất nhỏ phía sau nhà dùng để dựng xưởng. Thế nhưng, như ông Hòa nói: “Đến khi bắt tay vào làm mới thấy chẳng có quy định thủ tục gì rõ ràng. Lên quận xin giấy phép thì quận bảo về phường. Phường nói khỏi thủ tục, vài người ký tên vào đăng ký thành tổ sản xuất là được”. Ba tháng sau, Tổ sản xuất nhựa Thuận Phát ra đời với số xã viên đăng ký cả thợ và chủ là 18 người. Sản phẩm của Thuận Phát nhanh chóng có mặt trên thị trường với cả chục mẫu mã, đưa ra chợ Bình Tây bao nhiêu bán hết bấy nhiêu…

 

* Ngày 21-12-1990, khi Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty thì kinh tế nhiều thành phần ở TPHCM đã có điều kiện pháp lý vững chắc để phát triển. Số lượng công ty và doanh nghiệp tư nhân trong sản xuất công nghiệp không ngừng tăng. Năm 1991 có 105 đơn vị; năm 1992: 235 đơn vị; năm 1995: 699 đơn vị: năm 2000: 1.351 đơn vị…

 

Biết chúng tôi đang tìm tài liệu thực hiện loạt bài “TPHCM - 30 năm đổi mới và phát triển”, GS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương giới thiệu ngay tổ nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước về kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có chuyên đề nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần - do PGS-TS Nguyễn Viết Thông làm chủ đề tài. Thế nhưng, người nắm sâu vấn đề này như ông nói lại là một thành viên khác - TS Lê Minh Nghĩa. Từ TPHCM bay ra Hà Nội, chưa kịp về khách sạn cất hành lý, chúng tôi đến gặp ông ngay, vì như ông bảo: “Thời gian này anh em mình mỗi ngày chỉ ngủ được 5 giờ vì phải đi cơ sở suốt, sắp Đại hội XII của Đảng đến nơi rồi. Báo Sài Gòn Giải Phóng làm đề tài này là đi trước bọn mình rồi đấy…”.

Đem câu chuyện của Tổ sản xuất nhựa Thuận Phát ra trao đổi với TS Lê Minh Nghĩa, ông bảo: “Thời đó (năm 1986, 1987 - NV), kiểu cơ sở sản xuất nhỏ như vậy ở TPHCM nhan nhản, ngõ hẻm nào ở quận 5, 6, 8, 11, Tân Bình… cũng có. Tất cả đều làm “chui”, núp bóng tổ sản xuất, hợp tác xã, hợp doanh… làm đại chứ có luật lệ nào quy định đâu. Những kiểu hợp tác làm ăn này đến Nghị quyết Đại hội VI mới đặt ra là kinh tế tập thể nhưng thực chất đều là kinh tế tư nhân cả đấy. Hiểu được chuyện này, TPHCM đã “bật đèn xanh” cho các quận, huyện chỉ đường cho dân mở lối làm ăn, sai đâu chưa thấy chứ cái lợi trước mắt là lo được việc làm cho dân, rồi hàng hóa đổ ra thị trường mỗi ngày một nhiều…”. Thế nhưng, như TS Lê Minh Nghĩa, thực tiễn từ TPHCM cho thấy, thực chất của kinh tế tập thể được hình thành từ những doanh nghiệp (DN) tư nhân của thời kỳ trước 30-4-1975. Đến khi kinh tế tập thể phát triển, nhiều nơi thiếu kinh nghiệm dẫn đến đổ vỡ, huy động vốn để mất vốn, nợ nần…, lúc đó chúng ta mới có luật này, luật kia làm khung pháp lý. Sự khởi sắc của các thành phần kinh tế bắt đầu “nóng” lên nhờ hệ thống pháp luật DN ra đời, mở đường cho hàng loạt DN tư nhân ra đời theo. Các DN này chính là những cơ sở sản xuất của mô hình kinh tế tập thể ở TPHCM. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ như: Dệt may Thái Tuấn, Giày Biti’s, Nhựa Tân Cường Thành, Thực phẩm Kinh Đô… sau này đã trở thành những DN lớn có hàng ngàn công nhân, kinh doanh đa ngành nghề và xuất khẩu sản phẩm ra nhiều nước trên thế giới.

Làm trước không đợi luật

* TRẦN THÀNH LONG, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM:

“Vào thời điểm cuối năm 1987, đầu năm 1988 kinh tế quốc doanh ở TPHCM vẫn chiếm áp đảo với cơ cấu giá trị tổng sản phẩm nội địa chiếm trên 60%. Về mô hình kinh tế, trong giai đoạn này vẫn chủ yếu là nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, tư duy về thị trường và quan hệ thị trường chưa được xác lập. Thời kỳ này cùng tồn tại hai cơ chế: “xã hội chủ nghĩa” và “phi xã hội chủ nghĩa”. Thế nhưng, nhờ cơ chế “phi xã hội chủ nghĩa” lấn lướt và phát triển mạnh, đã dẫn đến một loạt sự thay đổi trong việc hình thành và xây dựng pháp luật với một loạt luật ra đời như: Luật Công ty, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp nhà nước… Đây chính là khung pháp lý vững chắc cho sự phát triển các thành phần kinh tế và hướng tới sự bình đẳng trong hoạt động của các thành phần kinh tế”.

 

Tháng 11-1987, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định 217/HĐBT trao quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh cho kinh tế quốc doanh. Sau đó là Nghị quyết 16/NQ-BCT của Bộ Chính trị và một loạt văn bản khác của Hội đồng Bộ trưởng khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển. Thế nhưng, như ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, thời điểm các chủ trương trên được ban hành, Quốc hội chưa có luật nào làm khung pháp lý cho hoạt động của DN, không chỉ DN trong nước mà cả DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đợi luật thì chậm cơ hội làm ăn. Hiểu được trăn trở này, tháng 10-1989, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 639/QĐ-UB về công ty tư nhân sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp xây dựng vận tải, nông - lâm - ngư nghiệp và kinh doanh thương mại - dịch vụ (Quyết định 639). Kèm theo quyết định này là Quy định hướng dẫn cụ thể việc thành lập công ty tư nhân. Quyết định 639 do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Khắc Bình ký, có 41 điều quy định hoạt động của các loại hình công ty tư nhân, bao gồm: Công ty tư doanh: công ty TNHH, công ty trách nhiệm vô hạn (công ty hợp danh); công ty cổ phần và tổ hợp tư doanh. Cùng với các đơn vị kinh tế quốc doanh, TPHCM được cho là địa phương đầu tiên hình thành nên nền kinh tế hàng hóa với nhiều thành phần tham gia, mở ra một hướng đi làm thay đổi tư duy và nhận thức một cách đầy đủ hơn của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN sau này.

Lật giở trong đống tài liệu đã ố vàng, ông Lý Hòa đưa chúng tôi xem bản Điều lệ Công ty TNHH Nhựa Thuận Phát (chuyển từ Tổ sản xuất Nhựa Thuận Phát) được lập ngày 12-12-1989. Bản điều lệ do không được bảo quản kỹ, nhiều trang rách nát không thể đọc được rõ câu, nhưng dòng vốn góp của 3 thành viên sáng lập còn in rõ số tiền 2.200.000 đồng, bao gồm cả phần 500m² đất mà ông Lý Hòa góp vào thành lập Tổ sản xuất Nhựa Thuận Phát lúc đầu.

Vào những năm cuối thập niên 1980, ông Trần Thành Long trước khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách về kinh tế, đang làm Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Ông nói: “Trong nhiều tài liệu và bài giảng về kinh tế, chính trị, khi giải thích với sinh viên, nhiều giảng viên không giải thích được cụm từ “nền kinh tế nhiều thành phần” gồm những thành phần nào, chủ thể là ai. Nói với sinh viên mà chúng tôi không dẫn chứng được văn bản pháp luật cụ thể nào. Thực tế ở TPHCM những năm đó mặc nhiên đã hiểu các công ty tham gia hoạt động trên các lĩnh vực chính là các thành phần kinh tế, dù chưa có luật nào ban hành làm cơ sở pháp lý…”.

Tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo TPHCM trong thời kỳ này được thể hiện rất rõ, và nếu sợ trách nhiệm, sợ sai, sợ bị kỷ luật…thì chắc không ai dám làm cái chuyện “cầm đèn chạy trước ô tô” như vậy.

HOÀI NAM - ÁI CHÂN

- Bài 2: Nghị quyết “Ba chương trình”

Tin cùng chuyên mục