Tín dụng khởi sắc
Tính đến ngày 10-4, tín dụng toàn ngành đã tăng trên 1% so với cuối năm 2023, trong khi 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng âm. Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, dấu hiệu khởi sắc này cho thấy nền kinh tế bắt đầu “ngấm” vốn. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14%-15% trong năm nay. Tại TPHCM, tính đến cuối tháng 3-2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 3,575 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 0,96% so với cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, mặc dù tín dụng quý 1-2024 thấp so với cùng kỳ 3 năm gần đây, song việc tín dụng tăng trưởng cao trở lại trong tháng 3-2024, với mức tăng 1,9%, sau khi tín dụng tăng trưởng âm 0,93% trong tháng 1 và chỉ tăng 0,01% trong tháng 2, cho thấy tác động tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, trong đó có chính sách lãi suất thấp đã và đang kích thích sản xuất phát triển, kích thích doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
“Nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng trưởng tín dụng hiện nay tiếp tục được duy trì tốt trong tháng 4-2024 và các tháng tiếp theo, sẽ là cơ sở nền tảng để một chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế và tín dụng được bắt đầu”, ông Lệnh nhận định. Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank, cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2024 của đơn vị tăng 6%, tương đương hơn 20.000 tỷ đồng, trong đó vốn tín dụng tập trung vào các doanh nghiệp trong 3 lĩnh vực quan trọng là nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và tín dụng xanh.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB thông tin, tăng trưởng tín dụng quý 1-2024 của đơn vị đạt 4,6%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cả ngành. Trong đó, ngoài cho vay đối với mảng bán lẻ tăng tích cực khoảng 5%, cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng tăng đáng kể. Không chỉ tín dụng doanh nghiệp mà tín dụng cá nhân cũng cải thiện, trong đó có cho vay mua nhà để ở.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, tín dụng tại TPHCM tăng trở lại còn nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản với nhu cầu và giao dịch mua bán đã tăng trưởng hơn trong những tháng gần đây, từ đó cũng tác động hiệu ứng đến tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TPHCM. Riêng cho vay tiêu dùng cá nhân từ gói 20.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi của các công ty tài chính tiêu dùng tại TPHCM hiện đã giải ngân được 259 tỷ đồng cho 10.554 khách hàng vay.
Trong 3 tháng đầu năm, tín dụng bán lẻ của OCB tăng khoảng 5%, trong đó giao dịch nhiều nhất là mua bán nhà ở riêng lẻ. Ngân hàng ACB có dư nợ tín dụng cá nhân tăng 3,8% trong quý 1, trong đó cho vay mua nhà để ở chiếm 30%, vay tiêu dùng 20% và sản xuất kinh doanh hộ kinh tế 50%. Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Nhóm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI nhận định: thị trường bất động sản thứ cấp đã có tín hiệu phục hồi tốt hơn so với kỳ vọng. Giao dịch trên thị trường bất động sản thứ cấp sôi động hơn khi các ngân hàng tung ra các gói lãi suất cho vay mua nhà hấp dẫn.
Giữ lãi suất thấp để đẩy vốn ra nền kinh tế
Điểm nhấn của thị trường tín dụng trong quý 1-2024 là “làn sóng” giảm lãi suất cho vay trên toàn thị trường. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính chung tất cả các khoản vay mới ngắn, trung và dài hạn trong toàn hệ thống đến hết tháng 3-2024 là 6,5%/năm, giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân mới là 3%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023. “Hiện lãi suất cho vay thấp nhất trong 20 năm. Những trường hợp cho rằng lãi suất cho vay còn cao, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công bố lãi suất cho vay bình quân để người dân lựa chọn vay của ngân hàng có lãi suất thấp”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, quan điểm của NHNN là điều hành lãi suất linh hoạt, không đặt tăng hay giảm lãi suất điều hành. Từ cuối năm 2023 đến nay, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, lợi nhuận, để hạ thấp lãi suất cho vay, kể cả các khoản cho vay mới và cũ. Nền kinh tế đang có xu hướng ổn định và có một số tín hiệu tích cực, do đó ít nhất trong nửa đầu năm 2024, NHNN tiếp tục duy trì các mức lãi suất điều hành như hiện nay. Các chuyên gia nhận định, mặt bằng lãi suất thấp hiện nay kỳ vọng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Lãi suất thấp sẽ phát huy được khi nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế Luật) cho rằng, cần duy trì lãi suất thấp trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, cộng với hiệu ứng các ngân hàng vừa công bố công khai biểu lãi suất cho vay sẽ giúp cho mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm vì các ngân hàng phải cạnh tranh nhau. Mặt bằng chung lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp. Ông Nguyễn Đình Tùng thông tin, hiện OCB không có các gói vay ưu đãi nhưng các sản phẩm cho vay tại OCB có lãi suất bình quân khoảng 6%-8%/năm.
Với thế mạnh của ngân hàng bán lẻ, đại diện ACB cũng cho biết, hiện ngân hàng này đưa ra mức lãi suất thấp cho khách hàng, trong đó doanh nghiệp khoảng 4%-6%/năm và khách hàng cá nhân 6%-8%/năm.
Ngày 19-4, tại Hà Nội, NHNN tổ chức họp báo quý 1-2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tính đến ngày 29-3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023. NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng, đến ngày 31-3-2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/ năm so với cuối năm 2023.
LƯU THỦY