Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, mục đích xây dựng Luật Kiến trúc là nhằm tạo công cụ pháp lý có hiệu lực cao để điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển và tạo môi trường tốt cho hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Bên cạnh đó, dự án còn hướng đến việc phát huy vai trò của kiến trúc sư, các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc và xã hội trong hoạt động kiến trúc; đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhân dân và xã hội.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Ủy ban KHCNMT) thống nhất với phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật như trong dự thảo, song cũng có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật về việc gìn giữ bản sắc kiến trúc Việt Nam; bảo tồn, phát huy kiến trúc các dân tộc thiểu số. Lại cũng có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nên chỉ tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc và theo đó tên gọi của Luật là Luật Kiến trúc sư.
Liên quan đến nội dung quản lý kiến trúc, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật là cần có Chương II quy định về chính sách cơ bản của kiến trúc, là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng không ít công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. “Các quy định về phát triển kiến trúc sẽ là cơ sở pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của các kiến trúc sư, tạo tiền đề phát triển nền kiến trúc nước nhà”, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Phan Xuân Dũng nhận định.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết thêm, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết của nội dung này, vì nhiều quy định có tính khả thi chưa cao; chưa thể hiện được nguyên tắc quản lý và phát huy bản sắc kiến trúc dân tộc.
Đáng lưu ý, về yêu cầu quản lý kiến trúc và yêu cầu kiến trúc đối với đô thị, nông thôn, khu phố cổ, Ủy ban KHCNMT đề nghị Ban soạn thảo làm rõ các đối tượng quản lý kiến trúc để xây dựng các yêu cầu và quy chế quản lý cho phù hợp, tránh chồng chéo, bỏ sót đối với từng đối tượng: đô thị, nông thôn, khu phố cổ...
Về Quy chế quản lý kiến trúc, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, đối với từng vùng, miền có điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau thì cần có những quy định chi tiết khác nhau mà chỉ có chính quyền địa phương ở đó mới có thể tổ chức xây dựng, cụ thể hoá quy chế quản lý kiến trúc sao cho phù hợp nhất.
Ông Phan Xuân Dũng lý giải thêm: “Có ý kiến cho rằng, trong dự thảo Luật có nhiều đối tượng quản lý kiến trúc như không gian, cảnh quan, công trình… Yêu cầu quản lý các đối tượng này khác nhau ở các khu vực khác nhau. Như vậy, sẽ có rất nhiều Quy chế quản lý kiến trúc chi tiết ở các các khu vực khác nhau và cấp quản lý khác nhau. Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định Quy chế quản lý kiến trúc được coi là cơ sở để cấp phép xây dựng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung Quy chế quản lý kiến trúc bảo đảm tránh chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư xây dựng; quy trình lập, thẩm định, lấy ý kiến, phê duyệt và điều chỉnh Quy chế; quản lý đối với các khu vực, công trình có giá trị về kiến trúc cần bảo tồn, tôn tạo nhưng chưa là di sản văn hóa.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không quy định về quy chế quản lý kiến trúc mà cần luật hóa nội dung quy chế này, tránh tùy tiện khi xây dựng và áp dụng tại các địa phương.